Trẻ 1-2 tuổi
Trẻ trong độ tuổi từ 1-2 thường nghịch ngợm và có xu hướng tò mò, khám phá thê giới. Bố mẹ hãy vừa đảm bảo an toàn cho con, vừa tạo điều kiện cho con được tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Đừng bao giờ để con chơi một mình mà luôn giám sát để phòng tránh nguy cơ con tự gây thương tích cho mình hoặc làm đau người khác.
Những hình phạt cần tránh:
- Hình phạt cách ly trẻ khi trẻ bị mắc lỗi. Với trẻ 1-2 tuổi, không nên áp dụng hình phạt này bởi trẻ đang ở giai đoạn nhạy cảm, rất sợ hãi bị bỏ rơi hoặc bị để lại một mình.
- Quát tháo: Bố mẹ nên giữ bình tĩnh và không nên quát tháo, gào lên dù có đang tức giận thế nào. Trẻ sẽ hiểu rằng trẻ không còn được bố mẹ yêu thương nữa.
- Giải thích dài dòng hoặc đưa ra những lời cấm đoán: Cách này cũng vô dụng với trẻ. Trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ nên trẻ sẽ không thể hiểu hết những lời giải thích của bố mẹ, cũng như không biết cách hồi đáp cho phù hợp.
Giải pháp:
- Tách trẻ ra khỏi nơi/ đồ vật có thể gây nguy hiểm cho trẻ, kèm theo yêu cầu rõ ràng, ngắn gọn. Ví dụ: “Không, nước nóng đấy”.
- Đánh lạc hướng trẻ sang một đồ chơi khác hoặc một địa điểm khác.
- Vẫn gần gũi trẻ để trẻ không cảm thấy bị ghét bỏ hoặc thấy không được bảo vệ.
Trẻ 2-3 tuổi
Khi 2-3 tuổi, trẻ sẽ luôn muốn tự làm theo ý mình, từ chối sự giúp đỡ của mọi người để khẳng định sự tự lập, quyền tự quyết của mình. Đồng thời, trẻ cũng sẽ học được những quy tắc và giới hạn cho các hành vi. Chính điều này gây bối rối cho bố mẹ. Trẻ cũng bối rối không kém và thường xuyên có những hành vi khó hiểu mà bố mẹ hay gọi là “ăn vạ”. Bởi chính trẻ cũng không rõ trẻ đang thực sự muốn gì.
Những hình phạt cần tránh:
- Cấm đoán trẻ
- Lờ đi cảm xúc của trẻ, mặc kệ trẻ khóc và nghĩ rằng trẻ sẽ sớm bình tĩnh lại thôi. Thực sự là không thể.
- Đánh vào mông trẻ, dọa dãm.
Giải pháp:
- Không nên mất bình tĩnh. Bố mẹ cần hiểu rằng trẻ ăn vạ không phải để chọc tức hay thách thức bố mẹ. Hãy cố gắng bày tỏ sự cảm thông với cảm xúc trẻ đang phải trải qua.
- Đưa trẻ sang một chỗ khác.
- Giúp trẻ lấy bình tĩnh trở lại bằng việc ôm trẻ, nói lời nhẹ nhàng hoặc có khi không cần nói gì cả. Sau đó có thể hỏi tại sao trẻ lại làm như vậy, có phải vì mệt, vì sợ hãi, vì buồn ngủ hay vì đói.
- Giải thích cho trẻ về tình huống đó một cách rõ ràng và bình tĩnh. Sau đó gợi ý cho trẻ những cách ứng xử phù hợp.
Trẻ 3-5 tuổi
Trẻ ở tầm tuổi này thường sẽ đi nhà trẻ và học được các phép tắc thông thường, tuy nhiên vẫn cần bố mẹ giúp đỡ để trẻ hiểu về kỷ luật và phát triển kỹ năng phán đoán tình huống.
Những hình phạt cần tránh:
- Thuyết giáo, nói lý lẽ sáo rỗng. Cách này không có hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng.
- Dọa nạt trẻ. “Nếu con không làm thế này, con sẽ bị như này…”. Nếu dùng cách này, bạn đang dạy trẻ rằng kỷ luật không có nghĩa lý gì cả.
Giải pháp:
- Đặt ra các nguyên tắc cố định và yêu cầu trẻ phải tuân theo. Hãy giải thích cho trẻ về các nguyên tắc đó.
- Hướng dẫn trẻ về các hành vi ứng xử đúng đắn.
- Có thể áp dụng cách ly trẻ khi trẻ nổi điên, không kiểm soát được hành vi và cảm xúc. Thời gian cách ly không quá 5 phút.
- Giáo dục trẻ bằng cách đưa ra những hệ quả mang tính logic cho những hành vi xấu, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ.
- Ngăn ngừa hành vi xấu bằng cách khen ngợi kịp thời các ứng xử phù hợp. Cách này giúp khích lệ trẻ, giúp trẻ muốn cố gắng hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Trẻ 6-12 tuổi
Giai đoạn này, trẻ càng ngày càng muốn được tự do, muốn khẳng định bản thân trước bố mẹ và mọi người, trẻ cũng bắt đầu có những mâu thuẫn. Chúng thích tự chọn bạn, làm theo sở thích của chúng, nhưng bố mẹ vẫn phải kiểm soát, định hướng cho trẻ ở những tình huống quan trọng. Vì dĩ nhiên trẻ từ 6-12 tuổi chưa thể phân tích và đưa ra quyết định đúng đắn như người lớn.
Những hình phạt cần tránh:
- Đưa ra những hình phạt vô lý. Ví dụ cấm trẻ không được xem hoạt hình trong 1 tháng - hình phạt này chắc chắn không thể thực hiện đúng như lời bố mẹ nói.
- Chế giễu, phê phán hành vi của trẻ trước mặt mọi người. Trẻ thực sự cần một hình mẫu chuẩn để noi theo.
- Nói chuyện thẳng thắn với trẻ thay vì cố gắng đưa ra các hình phạt.
Giải pháp:
- Nói chuyện, trao đổi có tính chất xây dựng, không phê phán, chỉ trích.
- Không quá khắt khe, chấp nhận các hành vi theo độ tuổi của trẻ. Nếu 1 đứa trẻ 6 tuổi thích rung chân, điều đó không có vấn đề gì vì trẻ vẫn còn bé.
- Đặt ra các quy tắc hợp lý trong gia đình.
- Bỏ thói quen mua chuộc trẻ bằng đồ ăn hay đồ chơi.
- Nói trước cho trẻ về những hệ quả mà hành vi xấu của trẻ gây ra.
Theo Hải Vân/Thời Đại