|
Điểm tiêm vaccine đậu mùa khỉ di động ở Brooklyn (Mỹ) trong tháng 11. Ảnh: The New York Times.
|
Theo The New York Times, đợt bùng phát số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, vào tháng 5, nước Mỹ ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trong tháng trước, nước này chỉ có khoảng 1.000 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh.
Nguyên nhân của sự suy giảm số ca mắc được cho là nhờ vào chiến dịch tiêm chủng và những thay đổi trong hành vi của những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua đường tình dục
Mùa hè năm nay, Mỹ và các quốc gia khác đã ghi nhận đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ với số ca nhiễm gia tăng cao, chủ yếu là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Các chuyên gia nhận định giống như ở nam giới, quan hệ tình dục có nhiều khả năng là nguồn lây nhiễm bệnh cho phụ nữ chuyển giới. Theo thống kê được công bố trên tạp chí Lancet, khoảng 89% trường hợp phụ nữ chuyển giới đã bị nhiễm bệnh. Nhưng trong số những phụ nữ hợp giới và những người phi nhị nguyên giới được chỉ định là nữ khi mới sinh, chỉ 61% trường hợp mắc bệnh liên quan việc quan hệ tình dục.
Tiến sĩ Chloe Orkin - bác sĩ và nhà nghiên cứu tại ĐH Queen Mary (London, Anh) - cho biết bà và các đồng nghiệp đã tìm thấy vật chất di truyền của virus đậu mùa khỉ trong tất cả 14 miếng gạc âm đạo của bệnh nhân mà họ đã thử nghiệm. Điều này cho thấy virus này có thể lây truyền qua dịch tiết sinh dục. Các nghiên cứu ở nam giới cũng tìm thấy virus tương tự trong dịch tinh dịch.
Mặt khác, hơn một nửa số bệnh nhân đậu mùa khỉ trong nghiên cứu của tiến sĩ Orkin còn có triệu chứng bị lở loét ở hậu môn, bộ phận sinh dục, miệng hoặc mắt. Với các triệu chứng này, ban đầu, một số phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ chuyển giới) đã bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Hiện tại, các cơ quan y tế công cộng vẫn do dự khi gọi bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền theo những cách khác nhau, vì vậy, không nên loại trừ việc phân loại nó là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
|
Một phòng khám tiêm vaccine đậu mùa khỉ tạm thời ở Manhattan (Mỹ) vào mùa hè này. Ảnh: The New York Times.
|
Khả năng lây nhiễm trước khi xuất hiện triệu chứng
Vào tháng 10, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh đã công bố một nghiên cứu cho thấy khoảng 40-60% trường hợp lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ có thể đã xảy ra trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng (như nhức đầu, đau lưng, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, sốt, phát ban...).
Tiến sĩ Tom Ward - người lập ra mô hình bệnh truyền nhiễm của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh - cho rằng một số tỷ lệ nhỏ người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ có thể không bao giờ xuất hiện các triệu chứng. Việc "truy tìm" những người tiếp xúc trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ cũng rất khó khăn vì tính chất lây lan nhạy cảm. Bên cạnh đó, cũng không có xét nghiệm nào có thể phát hiện bệnh đậu mùa khỉ trước khi người bệnh phát ban.
"Rất có khả năng các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã bị bỏ sót và không phát hiện ra", tiến sĩ Orkin nói.
Bà Orkin cho biết 1/3 trường hợp phụ nữ chuyển giới mắc bệnh đậu mùa khỉ đã bị chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán là bệnh khác. Số khác có lẽ không bao giờ được chẩn đoán bệnh. Trong nghiên cứu của bà có khoảng 1/4 phụ nữ chuyển giới sống với trẻ em, nhưng các bác sĩ chỉ xác định được 2 trường hợp trẻ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Tiến sĩ Abraar Karan - bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại ĐH Stanford (Mỹ) - cảnh báo rằng nhiều trường hợp trẻ em mắc đậu mùa khỉ chưa được ghi nhận có thể do sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này. Ông cho rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để biết được các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ ở mỗi cộng đồng dân cư khác nhau, đặc biệt là ở các quốc gia đã bùng phát virus đậu mùa khỉ trong nhiều năm qua.
Theo Minh Uyên/Zing