Những căn bệnh lạ, không rõ nguyên nhân xảy ra ở nhiều trường học trên thế giới, lây lan trên diện rộng cho cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên đến nay, nhiều căn bệnh khiến cả giới y học và khoa học "bó tay".
Gần 500 học sinh ở Trung Quốc mắc bệnh nguy hiểm
Đầu năm nay, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hàng trăm học sinh tại trường trung học ngoại ngữ Changzhou, tỉnh Giang Tô, đồng loạt mắc bệnh lạ khi trường chuyển đến địa điểm mới được vài tháng.
Trường có 2.451 học sinh. Trong số 641 em tham gia các đợt kiểm tra y tế, 493 em mắc bệnh nguy hiểm như viêm phế quản, viêm da, u lympho, bệnh bạch cầu và cả ung thư.
|
Ngôi trường xây dựng ở nơi ô nhiễm. Ảnh: Shanghai List. |
Cũng theo nguồn tin, ngôi trường này được di dời tới vị trí mới vào tháng 9/2015, nằm sát 3 xưởng từng sản xuất chất hóa học độc hại. Trong khi đó, những bản báo cáo đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường ở khu vực này lại kết luận an toàn.
Sau đó, sự thật được phanh phui khi bản báo cáo từ năm 2012 ghi rõ các nhà điều tra tìm thấy lượng lớn chất hóa học ở khu vực quanh trường học. Đặc biệt, họ còn ghi nhận nồng độ chlorobenzene tại đây cao gấp 78.899 mức cho phép trong đất và 94.799 lần cho phép ở môi trường nước.
Một nhân viên cũ từng làm việc ở nhà máy hóa chất thừa nhận công nhân từng thải các chất chưa qua xử lý xuống kênh mương và chôn chất độc hại dưới lòng đất.
Tháng 1/2016, ban lãnh đạo trường ngoại ngữ Changzhou quyết định kết thúc sớm học kỳ đầu năm học. Các bậc phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc vì sự thiếu giám sát của cơ quan địa phương, đồng thời kiến nghị di dời trường tới cơ sở mới để tránh ảnh hưởng sức khỏe của con họ.
Hàng trăm học sinh mắc bệnh lạ ở Mexico
Năm 2007, BBC đưa tin khoảng 600 em trong số 4.000 học sinh tại trường nội trú Villa de las Ninas (nằm bên ngoài thủ đô Mexico City của Mexico) bỗng dưng đi lại khó khăn, có em không thể đứng vững và nôn mửa.
Theo hiệu trưởng - bà Margie Cheong, xơ đến từ Hàn Quốc - ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào tháng 10/2006 nhưng nhà trường cho rằng đó là bệnh thông thường nên không báo ngay phụ huynh. Trường Villa de las Ninas dành cho học sinh nhà nghèo, các em chỉ có thể gặp cha mẹ 3 lần trong năm.
Theo phản ánh của một số học sinh, trường thường áp dụng những hình phạt nghiêm khắc mỗi khi các em phạm lỗi. Tuy nhiên, bà Margie Cheong bác bỏ việc đối xử tệ với học sinh và sẽ chịu trách nhiệm nếu cơ quan điều tra phát hiện bà làm sai.
Sau đó, trường mời các nhà tâm lý học tới nói chuyện và các nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh nhưng đến nay mọi thông tin vẫn còn là bí mật.
Dịch cười ở Tanganyika
Ngày 30/1/1962, ba cô gái trẻ đang ngồi trong lớp ở một trường nữ sinh tại Tanganyika (nay là một phần của Tanzania) bỗng nhiên cười không dứt.
Chỉ trong vài ngày, dịch cười lan rộng, khoảng 60% học sinh cười không ngừng. Thậm chí, nó còn lan ra cả thị trấn. Mọi người ban đầu cảm thấy lạ, sau đó lo lắng và sợ hãi.
Khi "bệnh" cười dần lắng xuống ở ngôi làng đầu tiên, nó lại xuất hiện ở những trường học khác như ở Nshamba và Bukoba. Cuối cùng, 14 trường phải đóng cửa, theo trang All Day.
Một vài nguồn tin xác nhận thực tế có khoảng 1.000 người bị nhiễm... cười. Có người cười nhiều quá, cười chảy nước mắt và ngất xỉu. Sau hơn một năm, dịch bệnh mới chấm dứt và chưa thấy xuất hiện lại từ đó đến nay.
Theo các nhà khoa học, đây là trường hợp bệnh tâm lý trên diện rộng (MPI). Dịch bệnh cười chỉ ảnh hưởng trẻ em.
'Ma ám' trong trường học Malaysia
|
Giáo viên đang chăm sóc cho học sinh mắc bệnh ở Kota Baru. Ảnh: The Star. |
Tháng 4 vừa qua, truyền thông Malaysia cho biết ít nhất 4 trường tại thành phố Kota Baru thuộc bang Kelantan đối mặt dịch “ma ám” khi nhiều giáo viên và nữ sinh bỗng dưng la hét, đập phá lớp học, lang thang mất tự chủ hoặc lăn ra ngất xỉu.
Báo The Star đưa tin các trường học bị ảnh hưởng là SMK Pengkalan Chepa 1, SMK Pengkalan Chepa 2, SMK Kemumin và SMK Kubang Kerman 3. Dịch bệnh khởi phát từ trường Trung học SMK Pengkalan Chepa 2, ảnh hưởng khoảng 170 học sinh và giáo viên, buộc nhà trường phải tạm đóng cửa trong vài ngày.
Để đối phó, lãnh đạo Sở giáo dục Kota Baru cho học sinh nghỉ để chăm sóc y tế và mời các tu sĩ Hồi giáo, thậm chí cả pháp sư người Hoa, đến trường làm phép nhưng không mang lại kết quả.
Hầu hết nạn nhân đều kể mình bị “các bóng đen lởn vởn trong trường tìm cách nhập vào cơ thể”. Họ còn cho rằng những linh hồn này là pontianak, ma nữ phổ biến trong văn hóa dân gian Malaysia, theo tờ The Straits Times.
Tuy nhiên, giới bác sĩ và nhiều chuyên gia khẳng định không có chuyện ma quỷ mà các nạn nhân mắc chứng cuồng loạn tập thể (mass hysteria) hay còn gọi là rối loạn phân ly tập thể.
Đây là dạng rối loạn tâm lý khi nhận thức hoặc niềm tin sai lệch từ một cá nhân nhanh chóng lan truyền, phóng đại trong đám đông với biểu hiện như ngất xỉu hàng loạt, nôn mửa…
Bệnh tâm lý sợ đến trường ở Trung Quốc
Tháng 10 vừa qua, các trang báo của Trung Quốc đưa tin về cậu bé ở thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, mắc những triệu chứng lạ khi cứ tới giờ đến trường là cơn đau đầu xuất hiện. Gia đình đưa bé đi khám nhưng không phát hiện được nguyên nhân.
Sau khi tổ chức một cuộc thảo luận tìm hiểu về căn bệnh, bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân số 4, thành phố Urumqi, cho biết có tới 30 em trong thành phố mắc những vấn đề tâm lý tương tự. Trong khi đó, những học sinh có hiện tượng chán học cũng tăng lên.
Ngoài ra, một bộ phận học sinh có quan hệ không tốt với giáo viên cũng không muốn đến trường. Chính những điều này gây ra tâm lý u uất, căng thẳng, mất kiểm soát. Nó thường xảy ra với những em mới đi học, vừa chuyển cấp hoặc đi học lại sau thời gian nghỉ dài.
Vì chưa thích ứng với môi trường học tập mới, nhóm học sinh này thường rơi vào trạng thái hụt hẫng, tâm lý rối loạn, dễ cáu gắt vô cớ, mệt mỏi, mất ngủ... Có những em đau đầu, đau bụng, đau dạ dày, nôn mửa… Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm đến con trẻ để động viên, khuyến khích kịp thời.
Theo Tống Hoa/Zing