Thực chứng là do thấp nhiệt (viêm đường tiết niệu), ứ huyết (sỏi đường tiết niệu, sang chấn). Hư chứng là do công năng của thận bị giảm sút, không khí hóa được bàng quang hoặc do thân dịch giảm, thận âm hư, nước không xuống bàng quang để bài tiết ra ngoài. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh:
Bí tiểu do nhiễm khuẩn đường tiết niệu (thấp nhiệt ở hạ tiêu): Người bệnh tiểu ít tiểu buốt rắt, khát nước, sốt, miệng đắng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch sác. Phép chữa là thanh nhiệt lợi thấp. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Bát chính tán: mộc thông, xa tiền tử, cù mạch, sơn chi tử, biển súc, hoạt thạch mỗi vị 12g; chích cam thảo 6g, đại hoàng 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Vỏ núc nác, thạch hộc, quả dành dành mỗi vị 12g; rau má 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu nặng có thể 2 thang.
Bài 3: Dành dành 7 quả, tỏi 1 củ. Giã nát đắp vào rốn.
Bí tiểu do sỏi đường tiết niệu, sang chấn: Người bệnh đau vùng hạ vị dữ dội, tiểu ra máu, có khi bí tiểu. Phép chữa là hoạt huyết lợi niệu. Dùng bài “Bát chính tán” thêm kim tiền thảo 40g, tam thất 4 - 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bí tiểu do thận hư không khí hóa được bàng quang: Người bệnh đi tiểu từng giọt không hết, rặn kém, nặng hơn thì bí tiểu, sắc mặt trắng nhợt, toàn thân yếu, lưng lạnh, lưng gối mỏi, sợ lạnh, mạch trầm tế. Phép chữa là ôn bổ thận dương (bổ thận ôn dương lợi khiếu). Dùng 1 trong các bài:
Bài 1: Hương nhung hoàn: Xạ hương 0,4g; lộc nhung, trầm hương mỗi vị 4g; phụ tử chế, phá cố chỉ, nhục thung dung, thục địa, đương quy mỗi vị 12g. Tán bột làm viên uống ngày 5 - 10g.
Bài 2: Thục địa, hoài sơn, ngưu tất, sa tiền tử mỗi vị 12g; sơn thù, phục linh, trạch tả, đan bì, phụ tử chế mỗi vị 8g; nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu kèm tỳ hư, người mệt, thở gấp, mệt mỏi, bỏ thục địa, thêm hoàng kỳ 12g, đẳng sâm 12g, thăng ma 4g.
Bài 3: Cao ban long 20g; bông mã đề, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g; nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
theo Lương y Đình Thuấn/suckhoedoisong