“Nhức răng” với mầm đậu phộng xào thịt bò

Google News

"Mầm đậu phộng này mà đem xào với thịt bò, chậc, mới nghĩ thôi đã thấy "nhức răng".

Huế mùa mưa, ngoài đồng cũng chẳng có việc chi, nhưng mạ vẫn cứ nhìn trời than thở. Rồi mai sớm, mạ vô kho chứa lúa, thấy nước lai láng. May mà mấy phi lúa không bị chi. Nhưng lưng bao đậu phụng thì ướt nhem. Mạ nói đậu ni mạ để giống, ra năm gieo ở biền bên sông. Nhưng mấy hôm trước lụt, cái biền bên sông cũng bị con nước nuốt mất dạng. Đất chẳng còn, đậu để làm chi. Mạ hua tay chỉ huy cả nhà xúm lại lột đậu. Mạ nói nhân cơ hội đậu bị ướt, thôi đem hết làm đậu mầm đãi cả nhà ăn chơi.
Mỗi lần ủ đậu phộng mầm, mạ đều dặn có thể ăn khi đậu mới nhú mầm, nhưng không nên để mầm quá dài. 
Phải nói mầm đậu phộng là món ăn "xa xỉ" trong bữa cơm nhà mình. Mạ nói đậu thì mắc, mà làm thì công phu, ngoài chợ lại không bán nên mấy món ngon từ đậu phộng mầm lâu ơi là lâu mới có cơ hội được nếm.
Làm mầm đậu phộng cũng không kỳ công mấy, nhưng lại mất nhiều thời gian. Trong khi mầm đậu xanh (giá) chỉ cần 3 đến 4 ngày là có thể thu hoạch, thì mầm đậu phộng phải mất từ 7 đến 10 ngày. Hạt đậu phộng sau khi ngâm nước ấm vài tiếng thì nở to bằng đầu ngón tay cái trẻ con. Đem ủ trong vải màn, để nơi góc tối, cứ 5 đến 8 tiếng thì tưới nước một lần. Chừng 7 đến 10 ngày thì được những cây mầm trắng phau phau, mập ú gần bằng ngón tay út. Mầm đậu phộng mà đem xào với thịt bò, chậc, mới nghĩ thôi đã thấy "nhức răng".
Mình vẫn nhớ lần đầu tiên ăn mầm đầu phộng là một ngày vào mùa đậu. Năm đó cái biền đất bên nhà vẫn còn rộng lắm luôn, chứ chẳng phải mỗi ngày một thu hẹp vì sạt lở rồi mất hẳn như hôm nay. Mùa đậu năm đó mới thu hoạch xong chừng vài ngày thì trời đổ mưa giông. Đậu nằm trong cát, sau mấy trận mưa giông liền nổi hết lên mặt đất. Dăm ngày sau thì nảy mầm, mập ú, trắng nõn, cao bằng ngón tay. Chị hai thấy ngon mắt và tiếc của liền nhặt hết về, rồi đem xào lên, không ngờ ngon chi lạ. Cứ rứa, năm nào sau mùa đậu, nhà mình lại có món ngon từ mầm đậu nhặt về từ ngoài biền.
Quen ăn không quen nhịn, nên thi thoảng, mạ cũng tự ủ lấy rồi chế biến món ngon đãi cả nhà. Mầm đậu phộng chế biến được nhiều món ngon lắm nghe. Tỷ như xào, trộn, làm gỏi, ăn lẩu… Mỗi cách là một hương vị thơm ngon khác nhau. Nhưng mình thích nhất vẫn là mầm đậu xào thịt bò. Mạ hay bảo, món này dễ làm nhất quả đất, nên mấy đứa trong nhà phải nấu cho ngon.
Thịt bò thái mỏng, đem ướp với tiêu, hành, muối, bột ngọt, và một muỗng nhỏ nước tương (xì dầu). Sau khi phi hành thật thơm với 1 muỗng dầu thì cho thịt bò đã ướp sẵn vào đảo đều, sau đó cho mầm đậu đã rửa sạch vào xào vừa chín tới thì nêm nếm cho vừa miệng, rồi thêm nắm hành lá cắt khúc vào, rứa là có ngay món ngon đãi cả nhà.
Mỗi lần ủ đậu phộng mầm, mạ đều dặn có thể ăn khi đậu mới nhú mầm, nhưng không nên để mầm quá dài, vì lúc này hương vị thơm ngon của mầm đã giảm nhiều. Lúc ăn không nên chỉ ăn cây mầm hoặc chỉ ăn phần mỏ mà nên ăn toàn bộ mới tốt. Nhưng mà mỏ của đậu phộng mầm ăn đặc biệt ngon, vừa giòn, vừa thơm lại vừa ngọt. Thế nên mỗi lần mạ chế biến món đậu phộng mầm, mình đều xung phong đi rửa mầm đậu, rồi ngắt gần trụi mỏ đậu để dành ăn vặt, cũng ngon dễ sợ.
Ở ngoài chợ, hầu hết chỉ có cải mầm, hay giá đỗ, chứ mầm đậu phộng không thấy ai bán mô nghe. Nên muốn ăn ngon, đành phải chịu khổ đi ủ đậu vậy. Mà mai đi ủ đậu, cũng phải non nửa tháng nữa mới được ăn. Ngày nào cũng ngó ngó nghiêng nghiêng nhìn mầm đậu nhú ra, không khéo đến lúc mầm dài bằng ngón tay, thương quá lại chẳng nỡ đem vào bếp…
Theo Linh Chi/Thừa Thiên Huế Online