Nhỏ nước cốt chanh vào mắt có thể gây hậu quả nghiêm trọng

Google News

Trào lưu nhỏ nước cốt chanh vào mắt thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thị lực.

Gần đây, trào lưu uống nước chanh liều cao vào buổi sáng khi bụng rỗng, nhỏ vào mũi, mắt, tai để chữa bệnh đang nở rộ trên mạng xã hội. Một người dùng mạng xã hội cảm thấy xót khi nhỏ nước chanh vào mũi, mắt nhưng vẫn cho rằng đây là cách tống dịch ra giúp mũi thông thoáng, mắt sáng. 
Theo trào lưu trên mạng xã hội, nhiều người truyền tai nhau cách nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai để chữa bệnh, song các chuyên gia cho biết đây là hành vi nguy hiểm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Các nghiên cứu y học đã ghi nhận mắt, mũi, tai là những vùng cơ thể có lớp niêm mạc vô cùng nhạy cảm. Chỉ với lượng acid nhỏ, đã đủ gây kích ứng hoặc thậm chí tổn thương nghiêm trọng. Trong một nghiên cứu về tác hại của acid citric với mô mắt, chỉ cần một lượng rất nhỏ tiếp xúc trực tiếp cũng có thể làm mỏng biểu mô giác mạc, thậm chí dẫn tới sẹo giác mạc, ảnh hưởng lâu dài đến thị lực. Ở trẻ em – nhóm nhạy cảm nhất, nguy cơ này còn gia tăng gấp bội do niêm mạc mỏng yếu, khả năng bảo vệ tự nhiên kém.
Theo bác sĩ Phí Thùy Linh, Trưởng đơn nguyên Mắt, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hiện chưa có bất kỳ tài liệu khoa học nào công nhận hiệu quả của việc nhỏ trực tiếp nước cốt chanh vào mắt, mũi, hay tai để điều trị bệnh. Do đó việc nhỏ chanh vào mắt là hành vi phản khoa học, tiềm ẩn nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Đã có những trường hợp bỏng giác mạc cấp tính chỉ sau một lần tiếp xúc với acid thực vật.
Bác sĩ Thuỳ Linh cho hay, việc tự ý nhỏ nước chanh để chữa các bệnh tai mũi họng ở trẻ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm, tăng nguy cơ các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi hoặc tổn thương vĩnh viễn đến thính giác.
Thực tế, cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc mũi, tai luôn hoạt động hiệu quả nếu được giữ vệ sinh đúng cách. Khi các lớp bảo vệ này bị phá hủy bởi acid, vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập sâu hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đẩy nhanh tiến triển của bệnh.
Nho nuoc cot chanh vao mat co the gay hau qua nghiem trong
Ảnh minh hoạ/Internet 
Trước trào lưu trên nguy hại trên, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không tự ý áp dụng các phương pháp chữa bệnh chưa được chứng minh. Khi gặp các vấn đề về mắt, tai, mũi, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách, thay vì đặt cược sức khỏe của bản thân và con trẻ vào những trào lưu nguy hiểm, thiếu căn cứ khoa học.

Chanh hoàn toàn có thể là một phần của chế độ dinh dưỡng lành mạnh nếu được sử dụng đúng cách, chẳng hạn như pha loãng với nước ấm, dùng như gia vị trong bữa ăn hoặc kết hợp với thực phẩm khác. Tuyệt đối không nên uống nước cốt chanh nguyên chất khi bụng đói hoặc sử dụng theo “liệu trình truyền miệng” thiếu cơ sở khoa học.

Nho nuoc cot chanh vao mat co the gay hau qua nghiem trong-Hinh-2
Nhiều người chia sẻ về tác dụng "thần kỳ" của nước cốt chanh. (Ảnh LĐTĐ) 

“Quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể. Nếu sau khi dùng chanh thấy các triệu chứng như đau dạ dày, ê buốt răng, buồn nôn… thì cần dừng ngay và đến cơ sở y tế để được tư vấn chuyên môn”, dược sĩ Ngọc Diệp (Trường Đại học Dược Hà Nội) khuyến cáo.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho rằng, mắt, mũi, tai là những vùng có niêm mạc vô cùng nhạy cảm. Chỉ với lượng axit nhỏ đã gây kích ứng hoặc thậm chí tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Vị bác sĩ này khẳng định đến nay chưa có bất kỳ tài liệu khoa học nào công nhận hiệu quả của việc nhỏ trực tiếp nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai để điều trị bệnh. Vì vậy, người dân không nên tự ý áp dụng các phương pháp chữa bệnh chưa được chứng minh.

Bình Nguyên