Thùy Trang, quản lý chi nhánh của Lẩu bò Sài Gòn tại trung tâm thương mại trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), nói rằng nhờ set "lẩu một người", nhà hàng đã tiếp cận được nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Nữ quản lý cho biết phần lẩu một người có giá 79.000 đồng, nếu khách gọi thêm đồ uống, tổng chi phí thường dao động khoảng 100.000 đồng.
Đây là mức giá phù hợp với những cá nhân muốn trải nghiệm món ăn của nhà hàng.
|
Quán ăn một người Yohan tạo ra phần ăn nhỏ cho một người, với đầy đủ các phần ăn, đồ uống với giá phải chăng.
|
“Nhiều năm trước, mô hình lẩu một người nổi lên thành trend nhưng phần lớn khách đi ăn do tò mò. Khách vẫn đi hai người, gọi hai nồi lẩu ăn cùng nhau. Nhưng gần đây, nhiều người đi một mình cũng thích ăn lẩu. Họ e ngại vì một phần ăn lớn, giá cao, có gọi cũng không ăn hết. Vì vậy, set ăn của chúng tôi mới thật sự đáp ứng nhu cầu của đúng tập khách hàng cần", Thùy Trang chia sẻ với Zing.
Chi nhánh này mở cửa theo giờ hoạt động của trung tâm thương mại, từ 8h đến 22h, chính thức đón khách từ 10h. Thùy Trang cho biết có rất nhiều khách tới ăn một mình, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ăn trưa 12h-14h, đa số họ là dân văn phòng.
Theo nữ quản lý, nắm bắt xu hướng này, nhiều quán ăn và nhà hàng cũng tích cực triển khai combo dành cho một người.
Thực khách có thể tìm thấy khá nhiều quán ăn dành cho một người ở hàng quán bên ngoài, tuy nhiên, trong các trung tâm thương mại lớn sẽ khó kiếm hơn, mức giá cũng sẽ nhỉnh hơn một chút.
Nhà hàng phục vụ khách ăn một mình
Nhiều năm qua, văn hóa ăn uống ở các quốc gia khắp thế giới đã có sự thay đổi lớn. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Trường đại học Dublin (Anh) chỉ ra có 1/3 người Anh thường đi ăn một mình, theo Conversation. Khảo sát của một trang đặt đồ ăn online của Mỹ đã thống kê rằng nhu cầu ăn uống một mình tại thành phố New York đã tăng 80% trong giai đoạn 2014-2018.
Tại nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - nơi ăn uống vốn gắn liền với vấn đề giao tiếp gia đình và xác định vị thế xã hội - xu hướng đi ăn một mình cũng bùng nổ, theo tạp chí Food Unfolded.
Tại TP.HCM, chỉ cần một thao tác tìm kiếm đơn giản theo cụm từ “quán lẩu một người” hay “quán ăn một mình”, thực khách sẽ được gợi ý hàng chục địa điểm có phục vụ phần ăn một người với chất lượng tương đương khi đi ăn theo nhóm.
Quán mỳ Sukiya trên đường Pasteur (quận 3, TP.HCM) dành hàng ghế riêng cho những người đi ăn một mình, bên cạnh khu bàn cho cặp đôi hoặc nhóm đông.
Thực khách ngồi dọc theo những chiếc bàn dài quay mặt vào tường, đủ sự riêng tư và yên tĩnh nếu muốn tới thưởng thức bữa ăn mà không bị quấy rầy hay phải lo lắng về việc thiếu vắng người đồng hành.
Tương tự, quán ăn một người Yohan trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) cũng tạo ra phần ăn nhỏ cho một người, với đầy đủ các phần ăn, đồ uống với giá phải chăng.
Nguyễn Thị Xuân Diệu, quản lý, nói với Zing quán đã mở được hơn 10 năm. Trước đây, nơi này bán bánh canh, cơm văn phòng nhưng đã chuyển đổi thành lẩu phục vụ một khách.
“Chúng tôi cũng có tham khảo mô hình ở nước ngoài. Khi chuyển đổi thì nhận thấy bán lẩu khá hơn, công việc kinh doanh cũng ổn định. Hiện tại quán có 3 chi nhánh tại TP.HCM, chủ yếu nằm gần các trường đại học và tòa nhà văn phòng”.
|
Nhiều nhà hàng ở TP.HCM phục vụ suất ăn một người để tiếp cận gần hơn với nhu cầu khách hàng.
|
Nói về lý do chọn mô hình bữa ăn một người, Xuân Diệu cho biết quán muốn hướng đến đối tượng khách hàng đa dạng hơn.
“Lẩu bình thường thì một người ăn sẽ rất khó gọi món, trong khi lẩu một người vừa phục vụ được các nhóm khách lẫn người đi ăn riêng lẻ. Ngoài ra, quán khai trương vào đợt dịch nên chúng tôi cũng nắm bắt tâm lý thích tiện lợi, vệ sinh và riêng tư của khách hàng”.
Quản lý chi nhánh cho biết mỗi ngày quán bán được khoảng 600 phần lẩu. Giá lẩu kèm nước uống cho khách đi một mình từ 48.000 đến 55.000 đồng, mức giá phù hợp với đa số đối tượng.
“Quán mở chưa lâu nhưng chúng tôi cũng có rất nhiều khách quen. Đa số mọi người đến đây ăn uống một mình sau giờ học hoặc giờ làm. Tôi để ý có những khách ngày nào cũng ghé ăn. 19-21h, quán hầu như không còn bàn trống”, Xuân Diệu cho hay.
Thích trải nghiệm riêng tư
Làm freelancer trong lĩnh vực truyền thông, lịch trình sinh hoạt của Hoàng Thúy (25 tuổi, quận Bình Thạnh) không cố định. Công việc bận rộn, Thúy thường ăn uống ở ngoài. Đa số bữa tối để chủ động thời gian và có thời gian riêng tư, thoải mái.
“Thú thực, tôi từng thấy những người vào quán ăn một mình khá kỳ lạ và cô đơn. Đến lúc đi làm, đặc thù công việc bận rộn nên tôi mới đi ăn một mình nhiều hơn và quen với chuyện đó”, Thúy bày tỏ.
Thúy nhận thấy ngày càng có nhiều nhà hàng quan tâm hơn tới nhu cầu của khách ăn một mình. Trên các hội nhóm review ẩm thực, cô dễ dàng tìm thấy những địa điểm có mức giá phù hợp. Muốn thưởng thức lẩu, nướng hay buffet, cô đều có thể chọn được quán ăn một mình mà không sợ phải chọn phần ăn lớn, quá đắt đỏ.
“Đi làm, thu nhập ổn định cũng giúp tôi thoải mái hơn khi đi ăn một mình. Nếu thời sinh viên, việc bỏ ra 100.000 đồng cho một bữa ăn là điều rất khó, bây giờ tôi có thể chi vài trăm nghìn cho bữa tối một mình mà không quá áy náy sẽ ‘lạm chi’”.
|
Thiên Bảo thoái mái khi đi ăn một mình.
|
Thiên Bảo (26 tuổi, nhân viên y tế) cũng quen với việc đi ăn một mình. Tranh thủ sau giờ làm, Bảo ăn tối ở quán ăn nhanh trong trung tâm thương mại ở quận 10 rồi đi xem phim một mình. Anh rất thoải mái với việc dành thời gian riêng cho bản thân, không phụ thuộc vào lịch trình của người khác.
“Một tuần, tôi đi ăn một mình vài lần, còn lại đa số là ăn ở nhà. Làm việc theo giờ hành chính, sau khi tan ca, tôi sẽ chọn quán nào đó tiện đường, ăn tối nhanh gọn rồi về nhà. Tôi thích sự chủ động, vì muốn rủ bạn bè sẽ mất thời gian sắp xếp lịch trình và dựa vào sở thích ăn uống của họ. Ngồi ăn một mình, tôi có thời gian chìm vào thế giới riêng, cũng không quan tâm tới những người xung quanh”.
Theo tác giả Silvia Lazzaris, cây viết tự do của tạp chí FoodUnfolded, khía cạnh xã hội của việc ăn uống từng được đẩy cao tới mức đi ăn một mình bị coi là “đáng buồn”, thậm chí là đáng xấu hổ ở nhiều nền văn hóa.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi.
Tại Hàn Quốc, các quán "karaoke một mình" mọc lên ngày càng nhiều. Điển hình là "Coin Noraebang" - quán karaoke 24/7 trả tiền tự động chỉ đủ chỗ cho một người. Chi phí hát mỗi bài hát chỉ vào khoảng 250 won (chưa đến 5.000 đồng), theo Today.
Hãng điện tử và đồ gia dụng Daewoo Electronics cũng cho ra nhiều mẫu sản phẩm gia dụng phục vụ người sống một mình như nồi cơm, máy giặt, lò vi sóng cỡ nhỏ.
Trang web đặt chỗ OpenTable báo cáo nhu cầu đặt chỗ bữa ăn cho một người ở các nhà hàng đã tăng 160% trên toàn nước Anh. Các nhà hàng, quầy bar với chỗ ngồi được thiết kế cho một thực khách cũng ngày càng trở nên phổ biến tại xứ sở sương mù.
“Ngày nay, nhiều cặp tình nhân hoặc nhóm bạn đi ăn với nhau nhưng chẳng ai nói chuyện, chỉ chúi mũi vào màn hình điện thoại của mình. Vậy thì cần gì phải đi ăn cùng nhau trong khi ta hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác ngon miệng một mình?”, SCMP nhận xét.
|
Trước đây, người đi ăn một mình thường bị gắn mác “cô đơn”, “sống hướng nội” hay “kỹ năng giao tiếp xã hội kém”. Ảnh: Yonhap.
|
Theo Đào Phương-Huệ Lâm/Zingnews