Dùng gừng tươi cả vỏ hay gọt vỏ?
Gừng tươi thường được đông y dùng để chữa nhiều căn bệnh phổ biến như đau bụng, buồn nôn, nhiễm trùng và các bệnh đường hô hấp… Nhưng dùng gừng như thế nào để tốt nhất cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
Mọi người truyền nhau rằng có những trường hợp sau cần gọt vỏ gừng:
- Nên gọt vỏ gừng tươi nếu vừa ăn đồ lạnh như mướp đắng, cần tây, cua… để cân bằng tính lạnh của các thực phẩm này.
- Nên gọt vỏ gừng khi nấu hải sản vì vỏ gừng có thể làm mất đi vị vốn có của hải sản.
- Người tỳ vị hư nhược tốt nhất nên gọt vỏ gừng khi ăn.
- Khi bị cảm, uống nước gừng gọt vỏ nấu với đường nâu sẽ giúp giải cảm.
- Khi dùng gừng tươi để ngừa nôn mửa, đau dạ dày và các chứng khó chịu khác do tỳ vị, dạ dày bị lạnh thì nên bỏ vỏ gừng.
Và còn bảo nhau về những trường hợp không bỏ vỏ gừng như sau:
- Nếu bị phù thũng thì nên ăn gừng cả vỏ vì vỏ gừng có tác dụng lợi thủy, lợi tiểu.
- Người bị nóng trong, táo bón, hôi miệng, loét miệng nên tận dụng vỏ gừng để pha trà uống.
Nhưng không nên uống món nước trà từ vỏ củ gừng tươi quá nhiều và liên tục dài ngày để tránh gây tổn thương dạ dày).
Vì tỉ lệ vỏ củ gừng ít, nên khi cho vào món ăn, đồ uống không ảnh hưởng và không cần cần gọt vỏ. Ảnh minh họa.
Theo Bác sĩ, củ gừng tươi là một loại gia vị được dùng nhiều trong các món ăn, đồ uống làm tăng hương vị, nhưng khá nhiều người lại gọt hoặc lột sạch vỏ - bỏ đi phần quý giá nhất của củ gừng bởi dược tính của nó tập trung phần lớn ở vỏ.
Về mặt dược tính thì vỏ gừng có tính hàn nên khi ăn cùng những thực phẩm có tính hàn thì cần gọt vỏ đi.
Những người có tì vị hư hàn khi ăn gừng cũng cần gọt bỏ vỏ đi.
Nhưng đó là lý thuyết, vì thực tế thì lượng vỏ gừng chiếm một lượng rất nhỏ so với phần thịt gừng khi cho vào món ăn, đồ uống thì không ảnh hưởng mấy tới cơ thể, và không cần phải gọt vỏ.
Hơn nữa gừng tươi nhiều tinh dầu nên nếu gọt đi thì sẽ giảm tinh chất của củ gừng.
Theo Đông y, vỏ gừng đắng, lạnh, không độc, giúp tăng khí, chữa bệnh.
Việc gọt vỏ đã vứt bỏ dược tính của gừng mà còn làm biến đổi cả mùi vị khiến gừng từ tính lạnh biến thành tính nóng.
Vì vậy nên để cả vỏ gừng khi chế biến món ăn, đồ uống. Nhưng cần phải rửa sạch đất cát trước khi chế biến.
Lưu ý là không dùng gừng để lâu ngày đã ủng nẫu, mốc hỏng để chế biến thức ăn (tuy nó còn vị cay, nhưng đã sinh ra chất lưu huỳnh, độc tố gây tổn thương cho gan).
Các bà nội trợ không nên tiếc của, hay tận dụng mà cố tình chế biến đồ ăn, thức uống bằng loại gừng hỏng này, bởi dạ dày và ruột sẽ hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng.
Không những thế còn có thể làm cho tế bào gan nhiễm độc và biến tính, tổn hại tới công năng bài tiết của gan.
Vì vậy khi chế biến các món ăn, đồ uống hàng ngày các bà nội trợ nên hạn chế việc loại bỏ vỏ gừng để giữ lại đầy đủ dược tính quý giá nhất của củ gừng - tập trung phần lớn ở vỏ củ gừng.
Các món ăn sau chỉ ngon khi có thêm củ gừng tươi
Khi nấu nướng có rất nhiều món ăn có thể cho thêm gừng, hoặc có thể thiếu gừng cũng vẫn ngon. Tuy nhiên, cũng có một số món ăn thì nhất định phải cho thêm gừng mới ngon.
Canh khổ qua nấu sườn và gừng
Nguyên liệu:
- Sườn non
- Gừng
- Khổ qua
- Gia vị, hành khô, hành tươi, tiêu xay.
Cách làm
Sườn rửa sạch, chặt khúc, chần qua nước sôi để khử mùi.
Gừng cắt lát mỏng. Khổ qua bỏ ruột, cắt khúc. Hành khô băm nhỏ, hành lá cắt khúc.
Phi thơm hành khô, đổ sườn vào xào săn, nêm nước mắm, gia vị rồi thêm nước vừa đủ ăn vào nồi sườn, ninh đến khi xương vừa chín tới thì vớt ra.
Cho gừng tươi, khổ qua vào nồi đun tới sôi thì đổ lại sườn vào nấu tiếp khoảng 15 phút thì bắc xuống, múc ra tô, rắc hành lá và tiêu xay, ăn nóng.
Cá hấp hành gừng thơm ngon, hấp dẫn
Nguyên liệu
- 1 con cá khoảng 500-700g
- 1 củ gừng nhỏ thái sợi
- Hành hoa, 1 củ tỏi to, rượu nếp, dầu ăn, xì dầu, đường, muối, tiêu xay.
Cách làm
- Hành hoa sơ chế sạch. Phần đầu hành rửa sạch và chẻ nhỏ, ngâm vào nước lạnh cho cọng hành cong đẹp như hoa.
- Tỏi lột vỏ, nửa củ thái lát mỏng cho vào ướp với cá, còn lại băm nhỏ và phi thơm.
- Cá sơ chế sạch, ướp muối và rượu trắng khử tanh, rồi khứa những đường chéo khắp lưng cá và nhồi tỏi cắt lát vào bụng cá.
Cho cá vào đĩa sâu lòng, bỏ vào nồi hấp 10 phút thì đổ hết nước cốt tiết ra từ cá ra, xong đặt lên bếp hấp tiếp khoảng 10 phút nữa.
Lấy 2 muỗng canh nước mắm, 2 thìa đường khuấy tan rồi rưới đều lên thân cá. Rắc gừng đã thái sợi vào và hấp khoảng 5 phút nữa là chín.
- Cho tỏi băm phi thơm, hành lá thái khúc vào nồi cá đang hấp, rồi bày đầu hành hoa trang trí cho đẹp mắt
Cách làm nước chấm cá: 1 muỗng canh nước mắm, 2 thìa đường đánh tan. Thêm tỏi, gừng giã nhuyễn và nước cốt chanh vào khuấy đều là xong.
Mề vịt xào gừng tốn cơm, thơm nức mũi
Nguyên liệu
– Mề vịt
– Gừng, tiêu, ớt, tỏi, nước tương, dầu hào, rượu nấu ăn, muối, dầu ăn.
Cách làm:
– Sơ chế sạch mề vịt, cắt làm 4 phần và dùng mũi dao nhọn khía các đường ngang, dọc để khi xào sẽ đẹp mắt hơn.
– Gừng đập giập, cắt sợi nhỏ.
– Phi thơm hành tỏi ớt tạo mùi thơm rồi đổ mề vịt vào xào trên lửa lớn. Nhớ cho chút rượu nấu ăn vào xào cùng.
Khi mề vịt chín thì cho gừng, nước tương, dầu hào, nêm nếm lại gia vị rồi rắc hạt tiêu xay, tắt bếp. Món này ăn cùng cơm trắng (hoặc mì cay) rất ngon miệng.
Theo Ths. BS Đông y Hoàng Kỳ/Gia đình & Xã hội