Bên cạnh phương pháp uốn tóc truyền thống, phương pháp uốn tóc bằng hơi nước (hay còn gọi là phương pháp setting, uốn tóc kỹ thuật số) đang được nhiều chị em lựa chọn vì tạo ra những kiểu tóc thời trang và tự nhiên hơn.
Tưởng bỏng nhẹ, ai ngờ…
Phải xin nghỉ việc hơn 1 tháng trời để đi điều trị tại khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, chị H (26 tuổi, ở Bình Phước) đang cố gắng hợp tác với các bác sĩ để hồi phục và tìm cách để… tóc mọc lại.
Chị H buồn bã: “Lúc trước thì muốn tạo kiểu nọ kiểu kia cho đẹp. Giờ chỉ mong có tóc trở lại như người bình thường là mừng lắm rồi”.
Chị H cho biết, chị là một bác sĩ đang làm việc ở Bình Phước, cách đây hơn 1 tháng, chị tìm đến một salon khá nổi tiếng tại Bình Phước để uốn tóc. Đây là một salon lớn, rất đông khách và đông học viên. Chị được một học viên của tiệm tư vấn uốn tóc setting.
|
Phương pháp uốn tóc setting. Ảnh: M.P |
Sau khi tẩm thuốc uốn tóc, học viên cuộn tóc chị vào các lô và gắn với các dây dẫn nhiệt. Trong lúc uốn, chị H thấy một lô tóc bị tuột ra, ống dẫn nhiệt phà hơi nước vào da đầu khiến chị bỏng rát.
Chị H la lên và không tiếp tục làm nữa: “Do vùng da bỏng ở sau đầu nên tôi không nhìn rõ vết thương của mình. Tôi chỉ nghĩ là bỏng nhẹ vì trước giờ đi làm tóc cũng nhiều lần và chưa nghe ai đi làm tóc mà bị bỏng cả”. Chị H kể lại.
Do nghĩ vết bỏng hơi nước nhẹ, chị H đã tự cắt tóc và sát trùng, vệ sinh vết bỏng. Sau đó, chị đến Bệnh viện tỉnh để khám và điều trị thuốc kháng sinh, kháng viêm. Sau một vài tuần, chị H yên tâm vì vùng da đầu bị bỏng đã đóng vảy.
Tuy nhiên, trong một lần vệ sinh da đầu, chị cạy thử lớp vảy cứng ra thì phát hiện dưới vùng vảy đó chứa rất nhiều mủ, dấu hiệu hoại tử. Chị H lập tức xuống tìm bác sĩ chuyên khoa Phỏng ở Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ cho biết chị bỏng khá sâu, diện tích rộng đến 120cm2. Chị được mổ cắt lọc vết thương và chờ ghép da. BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trường hợp bị bỏng sau khi đi uốn tóc như chị H là không hiếm. Từ đầu năm đến nay, các bác sĩ đã tiếp nhận 5 bệnh nhân nữ bị bỏng tương tự.
|
Nữ bác sĩ 26 tuổi bị “bay” nguyên mảng da đầu lớn sau khi đi uốn tóc setting. Ảnh: V.Q |
Khoa Bỏng Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương cũng cho biết đã tiếp nhận vài trường hợp bệnh nhân bị bỏng nặng sau khi uốn tóc setting. Điển hình như P.T (26 tuổi, ở Lâm Đồng).
T tìm đến Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng một vùng da đầu to bằng bàn tay bị tổn thương, bỏng nặng. T kể lại, trước đó hơn 3 tuần. T cũng đi uốn tóc setting tại một tiệm làm tóc nhỏ gần nhà. Trong lúc uốn tóc, ống hơi nước bị tuột ra, nước nóng phả vào đầu.
Mặc dù cảm nhận được hơi nóng bất thường, song, cô gái 16 tuổi vẫn được thợ làm tóc trấn an rằng: “Phải chịu nóng một xíu”. T cố chịu thêm một chút nữa nhưng cuối cùng, nóng quá, cô phải bỏ cuộc, không tiếp tục “công cuộc làm đẹp” nữa.
T cũng nghĩ vết bỏng của cô nhẹ. Cô về nhà và tự chăm sóc vết bỏng vì nghĩ sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần, vết thương không những không “tự khỏi”, mà càng ngày càng ăn sâu và loét ra khiến cô phải nhập viện.
Tại Bệnh viện Trưng Vương, bác sĩ cho biết, vùng da đầu của bệnh nhân bị bỏng sâu. Các bác sĩ đã phải cắt lọc vùng da bị bỏng sâu cho cô. Sau đó, bác sĩ đã tạo hình lại da đầu cho cô gái.
Rất khó để làm cho tóc mọc trở lại
BS Ngô Đức Hiệp, cho biết với những vết bỏng sâu và diện tích lớn ở vùng da đầu, các bác sĩ sẽ phải mổ cắt lọc vết thương và ghép da cho bệnh nhân: “Tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng tổn thương này ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thẩm mỹ với một cô gái trẻ.
Vùng tổn thương này sau khi lành cũng không thể mọc được tóc. Để làm cho tóc mọc được, bệnh nhân sẽ phải mất thời gian ít nhất 3 tháng và trải qua ít nhất 2 cuộc mổ”.
Bác sĩ Hiệp giải thích, vùng da đầu khác với những vùng da khác. Do đó, nếu ghép da vùng khác lên vùng bị tổn thương thì vùng da đó không thể mọc tóc trở lại được. Do vậy, để làm cho vùng ra đầu bệnh nhân trở nên bình thường, có tóc mọc trở lại, các bác sĩ sẽ phải đặt túi giãn da vùng đầu bệnh nhân. Quá trình này kéo dài vài tháng, bác sĩ sẽ bơm túi một cách từ từ nhằm kéo giãn da đầu, tạo ra phần da đầu vừa đủ để ghép vào vùng tổn thương. Đây là phẫu thuật duy nhất để giúp bệnh nhân có thể mọc tóc trở lại. Tuy nhiên, cách làm này khá tốn kém và kéo dài.
BS Ngô Đức Hiệp nhận định, các vết bỏng do đi uốn tóc setting thường khá sâu và rất khó lành. Nguyên nhân bỏng không đơn thuần là bỏng hơi nước. Bởi sức nóng của hơi nước thường không “tàn phá” nặng như vậy.
Bệnh nhân bị bỏng nặng có lẽ do hơi nước kết hợp với hóa chất uốn tóc. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện điều trị khá muộn vì cho rằng chỉ bị bỏng nhẹ và đơn thuần và bỏng hơi nước.
Hiện đại đi kèm nguy hiểm
Theo một người thợ uốn tóc, uốn tóc setting kỹ thuật số là phương pháp uốn tóc hiện đại và cao cấp. Dưới sự tác động của hơi nước, thuốc uốn tóc, người thợ làm tóc còn có thể chọn kiểu, kiểm soát được kiểu tóc trong suốt quá trình tạo kiểu.
Cũng chính vì thời gian tạo kiểu nhanh mà kỹ thuật uốn setting thường mang đến một mái tóc với những lọn xoăn nhẹ, tự nhiên, chứ không xoăn tít “khô cứng” như phương pháp uốn lạnh thông thường. Đó là lý do nhiều chị em chọn cách làm đẹp cao cấp và khá đắt này. Tuy nhiên, độ chắc chắn của các mối gắn dây dẫn nhiệt và lô tóc thì người thợ làm tóc thừa nhận… không ai chắc chắn được. Và chuyện tuột ống để cho hơi nước phà thẳng vào da đầu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
BS Trần Lê Hồng Ngọc, Khoa Bỏng Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương khuyến cáo mọi người nên có cách xử trí đúng khi bị bỏng. Nạn nhân phải được dùng nước mát dội trực tiếp lên chỗ bỏng trong vòng 15-20 phút để vết thương không ăn sâu. Sau đó, nạn nhân cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa bỏng gần nhất để điều trị.
Theo Vũ Quỳnh/Lao động