Nhiều bệnh gia tăng khi trời nồm, cách phòng tránh

Google News

Thời tiết nồm ẩm là nguyên nhân gia tăng các bệnh da do vi khuẩn, nấm, mụn trứng cá...

Nấm, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... phát triển gây bệnh trời nồm ẩm
TS.BS. Nguyễn Thị Hà Vinh - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mùa nồm ẩm do đặc trưng liên quan đến phát triển nấm, vi khuẩn, virus ký sinh trùng, các tác nhân trong không khí gây tình trạng dị ứng. Do vậy, người bệnh đến khám do nhiễm khuẩn, dị ứng, trứng cá... tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với thông thường.
Bệnh viện ghi nhận gia tăng tình trạng người đến khám nấm da hay còn gọi là hắc lào, lang ben… Ngoài ra còn các mặt bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng… cũng tăng lên theo thời tiết nồm ẩm.
"Bên cạnh đó còn có viêm da cơ địa, thường bị nặng mùa hanh khô, nhưng thời tiết nồm ẩm cũng làm bệnh nặng hơn, nhất là ở trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ở các nếp kẽ, ẩm ướt, làm tình trạng viêm da nặng, hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn virus khác, hoặc bội nhiễm về trứng cá, da nhiều bã nhờn, mồ hôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, nang lông bít tắc… gây tình trạng nặng lên", BS Vinh cho biết.
Nhieu benh gia tang khi troi nom, cach phong tranh
 Thời tiết nồm ẩm làm gia tăng các bệnh về da - Ảnh minh họa
Cách phòng chống bệnh mùa nồm ẩm
Để phòng bệnh mùa nồm ẩm, người bệnh cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, không mặc quần áo khi còn ẩm ướt, không dùng chung quần áo với người khác, tránh tiếp xúc với những vật nuôi nhiễm bệnh như chó, mèo và cần thực hiện:
Hàng ngày, sau khi ra đường và nhất là ở nơi có nhiều khói bụi, nơi đông người về, cần làm sạch da để tránh bụi tích tụ trên da, không nhất thiết phải rửa với sữa rửa mặt. Mỗi ngày chỉ cần rửa bằng sữa rửa mặt từ 2-3 lần.
Để giữ cho mặt không bị mụn và bị nhiễm khuẩn, cần giữ sạch khăn rửa mặt; thay vỏ gối, vỏ chăn ga thường xuyên; và nhớ giữ cho vỏ gối, chăn, ga luôn sạch sẽ.
Tuyệt đối không mặc quần áo khi còn đang ẩm. Hãy sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là với trẻ em vì trời ẩm khiến quần áo sau giặt thường thiếu nắng, lâu khô khi mặc trên người dễ gây ngứa ngáy trên da.
Cần thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, giữ cho khô thoáng, hạn chế mở cửa nhiều thời gian trong ngày để hơi ẩm tràn vào nhà, có thể sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm để hút hơi ẩm trong không khí trong nhà.
Cần ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ, các loại hoa quả để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế ăn các đồ cay nóng cũng là cách để phòng tránh các bệnh về da.
Khi xuất hiện các triệu chứng của các bệnh về da như: Viêm da, dị ứng, mẩn ngứa… không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ.
"Khi bị bệnh một sai lầm thường gặp cần phải tránh là không nên tự mua các loại thuốc lá, kem không rõ thành phần, có thể có corticoid… không phù hợp trong điều trị. Với thuốc nam, thuốc lá dễ làm cho các bệnh về da chảy dịch nhiều hơn, đóng vẩy dày, nơi vi khuẩn, virus xâm nhập sau khi làn da bị tổn thương
Với viêm da cơ địa không biến chứng, bác sĩ có thể kê đơn điều trị tại nhà. Trường hợp nặng bội nhiễm, phải điều trị nội trú tích cực, với kháng sinh đường uống và bôi, điều trị 1-2 tuần mới đỡ. Tuy nhiên, với các bệnh mạn tính không thể điều trị dứt điểm trong 1-2 ngày nên người bệnh cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ", các bác sĩ bệnh viện Da liễu TƯ khuyến cáo

Thúy Nga/ VietnamDaily