Mặc dù khó nghe là dấu hiệu rõ ràng nhất cảnh báo thính lực đang suy giảm nhưng đó không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy bạn cần một buổi kiểm tra thính lực càng sớm càng tốt. Trong nhiều trường hợp, khả năng nghe giảm dần nhanh chóng tới mức bạn không nhận ra và bạn có thể đang nghĩ rằng mọi người đang nói chuyện nhỏ lại hoặc do loa tivi/điện thoại có vấn đề.
1. Các cấp độ phân loại mất thính lực
Có 3 loại mất thính lực khác nhau, tùy thuộc vào vị trí mà thính giác bị tổn thương, đó có thể là nghe kém dẫn truyền (conductive hearing loss) là các tổn thương tai ngoài, tai giữa; nghe kém tiếp nhận (sensorineural hearing loss) do tổn thương tai trong và nghe kém hỗn hợp (mixed hearing loss) liên quan tới tổn thương tai giữa phối hợp tai trong.
Dựa trên mức độ suy giảm thính lực mà các bác sĩ phân loại mất thính lực theo các cấp độ sau:
- Mất thính lực nhẹ: Bạn vẫn giao tiếp với mọi người bình thường nhưng khó nghe từng từ hơn khi xuất hiện tiếng ồn xung quanh.
- Mất thính lực mức độ vừa phải: Bạn thường xuyên phải yêu cầu mọi người lặp lại câu nói của họ trong các cuộc trò chuyện do không nghe rõ.
- Mất thính lực nghiêm trọng: Việc bạn bắt kịp các cuộc trò chuyện gần như là không thể nếu không có các thiết bị trợ thính.
Khi được kiểm tra và đo thính lực bằng máy đo (hay còn gọi là thính lực đồ), các cấp mất thính lực được phân loại như sau:
Phân loại theo hiệp hội nghe – ngôn ngữ - lời nói Hoa Kỳ (ASHA-1981):
Mức độ nghe kém
|
Khoảng mất sức nghe (dB HL)
|
Bình thường
|
-10 – 15
|
Rất nhẹ
|
16 – 25
|
Nhẹ
|
26 – 40
|
Trung bình
|
41 – 55
|
Trung bình nặng
|
56 – 70
|
Nặng
|
71 – 90
|
Sâu
|
91+
|
Phân loại theo tổ chức y tế thế giới:
Mức độ nghe kém
|
Khoảng mất sức nghe (dB)
|
Bình thường
|
<= 25 dB
|
Nhẹ
|
26-40 dB
|
Trung bình
|
41-60 dB
|
Nặng
|
61-80 dB
|
Sâu
|
>80 dB
|
2. Nguyên nhân gây suy giảm, mất thính lực
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn bị suy giảm thính lực, có thể là do bẩm sinh, hoặc hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên.
Theo WebMD, tuổi cao là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thính lực. Cứ 3 người trong độ tuổi từ 65 đến 74 thì có một người bị mất thính lực ở mức độ nào đó. Sau 75 tuổi, cứ 2 người thì có 1 người bị mất thính lực.
|
Suy giảm thính lực thường phổ biến hơn khi tuổi tác tăng lên (Ảnh: Internet)
|
Tiếp xúc thường xuyên với môi trường ồn ào hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị, thuốc lợi tiểu... cũng có thể gây ra tình trạng suy giảm thính lực.
Các bệnh như bệnh tim huyết áp cao và tiểu đường khiến tai bị tổn thương do việc cung cấp máu tới tai bị cản trở. Xơ cứng tai là một bệnh về xương ở tai giữa và bệnh Ménière ảnh hưởng đến tai trong. Cả hai đều có thể gây mất thính lực.
Chấn thương, đặc biệt là gãy xương sọ hoặc thủng màng nhĩ, khiến tai có nguy cơ bị mất thính lực nghiêm trọng.
Nhiễm trùng hoặc ráy tai có thể chặn ống tai và gây suy giảm thính lực.
3. Dấu hiệu thính lực suy giảm sớm cần chú ý
Lúc đầu bạn có thể không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào với thính giác của mình, tuy nhiên có một số dấu hiệu cảnh báo thính lực suy giảm sớm có thể nhận ra bao gồm:
- Nghe kém ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày: Bạn thường xuyên phải nói "cái gì" trong mỗi cuộc trò chuyện hoặc yêu cầu người khác nói lại vì bạn không theo kịp, đặc biệt là khi có tiếng ồn xung quanh khiến bạn thường xuyên nghe nhầm.
- Âm thanh của tivi ngày càng to hơn, nghe điện thoại cần bật to âm lượng hơn.
|
Lúc đầu bạn có thể không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào với thính giác của mình (Ảnh: Internet)
|
- Bị ù tai có thể đột ngột hoặc thường xuyên ở một hay cả hai bên tai, khó phân biệt âm thanh phát ra từ đâu hoặc nghe giọng nói của bản thân bị thay đổi. Đôi khi ù tai có thể đi kèm với đau nhức dai dẳng.
- Khó nghe các âm thanh từ môi trường hơn, chẳng hạn như âm thanh của tiếng nước sôi, tiếng đèn xi nhan hay âm báo của máy giặt...
Ngoài 4 dấu hiệu cảnh báo sớm thính lực đang suy giảm kể trên thì một số dấu hiệu dưới đây cũng cho thấy bạn nên tìm tới bác sĩ sớm để được đo thính lực đồ cùng các kiểm tra khác:
- Mất thính lực đột ngột (được xác định khi không nghe được âm thanh có tần số 30 dB trở lên trong vài giờ hoặc nhiều nhất là 3 ngày) thông thường chỉ ảnh hưởng tới một bên tai
- Cảm giác một bên tai dường như bị điếc
- Cảm thấy ù tai và đau đầu nghiêm trọng ngay cả khi nghỉ ngơi đầy đủ
- Mệt mỏi mãn tính.
Các trường hợp mất thính lực kèm theo dấu hiệu dưới đây cần nhanh chóng được cấp cứu khẩn cấp bởi có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm màng não:
- Ớn lạnh
- Thở nhanh, thở gấp
- Cứng cổ
- Nôn mửa
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng
- Trạng thái tinh thần kích động.
4. Tại sao kiểm tra thính lực sớm lại quan trọng?
Việc nghe kém có thể gây khó chịu cho cả bản thân bạn và người xung quanh nhưng chẩn đoán mất thính lực muộn có thể gây ra nhiều hệ quả lâu dài về mặt sức khỏe.
Nếu không giải quyết sớm, mất thính lực sẽ đặt ra những thách thức đáng kể cho quá trình lão hóa khỏe mạnh, bao gồm cả nguy cơ té ngã hay gia tăng sự cô đơn khi lớn tuổi. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nghe kém không được điều trị lâu dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe não bộ và sự minh mẫn tinh thần bị suy giảm cũng như nhiều nguy cơ bị lẫn, mất trí nhớ do tuổi tác.
|
Việc nghe kém có thể gây khó chịu cho cả bản thân bạn và người xung quanh (Ảnh: Internet)
|
5. Cần làm gì để bảo vệ thính giác của bạn?
Để bảo vệ thính giác của bạn, bạn nên thực hiện các bước sau:
- Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Tránh môi trường có tiếng ồn cao hoặc đeo tai nghe chống ồn khi cần thiết.
- Đeo tai nghe hoặc bảo vệ tai: Sử dụng các thiết bị bảo vệ tai như nút tai hoặc earmuffs trong môi trường ồn ào.
- Giảm âm lượng: Khi sử dụng tai nghe, hãy giữ âm lượng ở mức vừa phải và không nghe quá 60% mức tối đa.
- Tuân thủ quy tắc 60/60: Nghe không quá 60 phút mỗi lần và không quá 60% âm lượng tối đa.
- Thường xuyên cho tai nghỉ ngơi: Hãy cho tai bạn thời gian nghỉ sau khi tiếp xúc với tiếng ồn.
- Kiểm tra thính giác định kỳ: Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề về thính giác và có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Tránh đưa vật lạ vào tai: Việc này có thể gây tổn thương cho tai và ống tai.
- Dùng thuốc đúng cách: Một số loại thuốc có thể gây hại cho thính giác, vì vậy hãy tư vấn với bác sĩ trước khi dùng.
- Dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ ăn giàu các dưỡng chất như magiê và omega 3 có thể giúp bảo vệ thính giác.
- Quản lý stress: Stress kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thính giác, vì vậy hãy tìm cách giảm stress hiệu quả.
Những biện pháp trên giúp giảm thiểu nguy cơ mất thính lực và giữ gìn sức khỏe cho đôi tai của bạn.
Theo Châu Anh/Phụ nữ Việt Nam