Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ở 34 tỉnh, thành với số lượng tiêu hủy chiếm 5% tổng đàn lợn toàn quốc. Điều này gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi heo Việt Nam. Do đó để phòng chống dịch bệnh, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết người chăn nuôi heo cần áp dụng "5 không", cụ thể:
- Không giấu dịch
- Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết
- Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết
- Không vứt heo chết ra môi trường
- Không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.
|
Nguyên tắc 5 không cần áp dụng để phòng chống dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Ban An toàn thực phẩm TP.HCM |
Mặc dù, dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan rất nhanh nhưng không giống như cúm heo hay các bệnh dịch khác của heo. Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết dịch tả heo châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đến sức khỏe con người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Heo bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
Do vậy khi mua thịt heo cần lưu ý:
- Mua sản phẩm thịt heo có nguồn gốc rõ ràng
|
Mua thịt lợn ở nơi có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Ảnh: Thu Hà |
- Khi mua lưu ý những dấu hiệu nhận biết thịt lợn an toàn như:
+ Trạng thái bên ngoài: màng ngoài khô sạch, không dính lẻo, tạp chất lạ; màu sắc đỏ tươi đặc trưng của sản phẩm; độ rắn, mùi vị bình thường.
+ Mặt khớp: Láng và trong
+ Vết cắt: màu sắc bình thường, sáng, khô
+ Độ rắn và đàn hồi: rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
+ Tủy: Bám chặt vào thành ống tủy, màu trong, đàn hồi.
- Không chế biến thịt gần khu vực chuồng nuôi
- Chỉ sử dụng thịt heo đã được nấu chín.
Theo Hạ Quyên/ PLO