Khi thời tiết nắng nóng vào mùa hè, đổ mồ hôi nhiều là tình trạng không hiếm. Nếu nhận thấy chân có mùi hôi khi cởi giày, bạn không hề đơn độc. Có một đôi chân "bốc mùi" là vấn đề rất phổ biến, đặc biệt vào mùa hè. Mặc dù vậy, tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, mất tự tin và xấu hổ khi ở nơi đông người.
Tin tốt là tình trạng hôi chân có thể điều trị khá đơn giản. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu rõ về nguyên nhân khiến bàn chân có mùi hôi và cách có thể giúp ngăn ngừa nó. Điều quan trọng là bạn cần có thói quen vệ sinh hàng ngày để bảo vệ đôi chân luôn khỏe mạnh và thơm tho.
Yếu tố gây mùi hôi chân
Theo Prevention, mồ hôi là thủ phạm chính gây ra mùi cơ thể, đặc biệt là mùi hôi chân. Cơ thể chúng ta được bao bọc bởi tuyến mồ hôi làm mát cơ thể. Bàn chân là một trong các bộ phận cơ thể tập trung nhiều tuyến mồ hôi nhất.
Để vi khuẩn phát triển, môi trường cần các điều kiện bao gồm nhiệt độ, oxy và tế bào da chết ở chân. Vi khuẩn phân hủy da chết và mồ hôi sinh ra mùi khó chịu.
|
Đi giày suốt cả ngày, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng, có thể khiến chân bạn "bốc mùi" khó chịu. Ảnh: Theconversation.
|
Ngoài nguyên nhân là đổ mồ hôi quá nhiều, một số yếu tố khác có thể gây mùi hôi khó chịu ở chân, bao gồm:
Căng thẳng
Áp lực, căng thẳng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn. Nhiều người mắc chứng bệnh ra mồ hôi chân, tay mỗi khi căng thẳng. Mồ hôi khiến cơ thể luôn ẩm ướt và tạo điều kiện cho các vi khuẩn hoạt động mạnh.
Thay đổi nội tiết tố
Nồng độ hormone cũng tác động đến quá trình bài tiết mồ hôi của cơ thể. Phụ nữ mang thai, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, hay người trong độ tuổi dậy thì thường gặp vấn đề với tuyến mồ hôi nhiều hơn.
Nhiễm nấm
Thường xuyên đi giày khiến đôi bàn chân bị bí. Các kẽ ngón chân luôn trong tình trạng ẩm ướt sẽ dẫn đến nhiễm nấm, gây mùi khó chịu. Bạn không nên tự ý dùng các sản phẩm kem chữa nấm bởi độ ẩm từ các loại kem này có thể khiến tình trạng tệ hơn.
Quy tắc đầu tiên là giữ vệ sinh và khô thoáng cho bàn chân. Bên cạnh đó bạn có thể sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Uống thuốc kháng sinh có thể điều trị hiệu quả nấm ở nhiều vị trí trên cơ thể.
Cách ngăn ngừa và loại bỏ mùi hôi chân
Theo Webmd, bàn chân có mùi hôi thường dễ điều trị tại nhà. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể thử để giảm mồ hôi chân và mùi hôi.
- Ngâm chân: Nếu thấy mùi hôi chân, bạn có thể ngâm chân để làm sạch sâu. Để làm như vậy, hãy trộn nửa cốc muối Epsom vào nước ấm. Nếu không có muối Epsom, bạn có thể trộn hai phần nước ấm với một phần giấm táo hoặc giấm trắng. Bạn nên ngâm chân tối đa 20 phút mỗi tuần một lần.
Muối Epsom giúp loại bỏ độ ẩm trên da, do đó, vi khuẩn ít có cơ hội tồn tại hơn. Giấm cũng giúp loại bỏ vi khuẩn trên bàn chân. Tuy nhiên, bạn không nên ngâm chân nếu có vết thương hở hoặc vết loét.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm 2-3 giọt tinh dầu hoa oải hương vào nước ấm và ngâm chân khoảng 15-20 phút. Thực hiện quy trình này 2 lần mỗi ngày trong vài ngày để có hiệu quả tốt nhất. Tinh dầu hoa oải hương không chỉ có mùi thơm mà còn hoạt động như yếu tố chống nấm.
|
Ngâm chân với muối Epsom, giấm táo hoặc tinh dầu hoa oải hương có thể loại bỏ mùi hôi chân hiệu quả. Ảnh: Besthealthmag.
|
- Giữ cho bàn chân luôn khô ráo: Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), vi khuẩn sống ở những khu vực ẩm ướt, vì vậy, giữ cho bàn chân khô ráo sẽ giúp hạn chế mùi hôi chân. Bạn có thể thoa phấn rôm lên chân để thấm mồ hôi. Nếu chân ra nhiều mồ hôi, bạn thậm chí có thể sử dụng chất chống mồ hôi dưới lòng bàn chân.
Khi ở nhà, bạn không nên đi tất và giày để chân thông thoáng khí. Cố gắng đi dép khi bạn có thể để giảm mồ hôi. Nếu bạn cần đi giày ôm sát, hãy chắc chắn chọn loại vừa vặn. Nếu bạn thường bị ra mồ hôi khi đi tất, hãy mang thêm một hoặc hai đôi bên mình để có thể thay khi chân bắt đầu có mùi.
- Vệ sinh chân thường xuyên: Nếu bị hôi chân, bạn nên rửa chân sạch sẽ hàng ngày trong khi tắm hoặc khi cần thiết với nước ấm, sau đó nhớ lau khô chân kỹ lưỡng, kể cả giữa các ngón chân.
Bạn cũng nên giữ móng chân sạch sẽ, cắt tỉa và tẩy sạch da chết trên bàn chân. Điều này cũng có thể giúp giảm bớt những nơi vi khuẩn thích trú ngụ trên bàn chân.
- Chăm sóc giày dép: Bạn nên tránh đi cùng một đôi giày 2 ngày liên tiếp để chúng thoát khí. Ngoài ra, bạn có thể giặt tấm lót trong giày để giúp chúng thơm hơn. Một cách khác để giúp giảm mùi hôi chân là dùng bình xịt khử trùng xịt vào giày và để khô trong không khí. Điều này sẽ tiêu diệt mọi vi khuẩn sống trong đôi giày của bạn.
Theo Phương Mai/Zing