Theo thống kê của quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y Tế), trên thế giới, thuốc lá gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm và con số này sẽ tăng lên 8 triệu người vào năm 2020, trong đó có 70% số ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.
Sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.
|
Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh tật nhưng nhiều người vẫn bất chấp. Ảnh: Đoàn Bổng |
Tại Việt nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Con số này có thể sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.
Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu, có 15,6 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi hiện đang hút thuốc lá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về số người hút thuốc lá cao nhất.
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân quan trọng gây ra hơn 25 căn bệnh như ung thư (12 loại: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da), các bệnh tim mạch, hô hấp, cũng như các bệnh về sinh sản và sinh dục ở cả nam giới và nữ giới.
Với những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch.
Trong số 7 triệu người trên thế giới tử vong vì thuốc lá thì có 890.000 ca gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.
|
Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bệnh ung thư |
Ở Việt Nanm, 28,5 triệu người không hút thuốc lá phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà, ở nơi làm việc là 5,9 triệu người.
Dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia (16.000 tỷ đồng năm 2015), nhưng không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế (24.000 tỷ đồng mỗi năm) do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.
Những tổn thất này bao gồm: chi phí cho mua thuốc lá hút, chi phí chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, chi phí giảm năng suất lao động do nghỉ ốm, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường.
Theo Văn Đức/Vietnamnet