Bệnh nhi nam L. A. S (12 tuổi, Tân Phú) sốt cao liên tục, ói tiêu chảy 4 - 5 lần, người nhà nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên mua thuốc uống nhưng không đỡ, trẻ mệt tay chân lạnh nên đưa vào bệnh viện địa phương.
|
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, vừa tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. |
Trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng ngày 4, suy hô hấp, rối loạn đông máu, được truyền dịch chống sốc, diễn tiến không thuận lợi nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Một bệnh nhi khác, Ph. Ph. Q (12 tuổi, Sa Đéc - Đồng Tháp). Trẻ sốt cao 5 ngày liên tục, đau bụng, ói được đưa đến bệnh viện địa phương với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng ngày 5, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu, được truyền dịch chống sốc.
Bệnh nhi biểu hiện khó thở, bụng phình căng, xét nghiệm men gan tăng cao trên 1000 đv/L (bình thường men gan AST, ALT < 40 đv/L) nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Theo ghi nhận, 2 trẻ đều biểu hiện sốc, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp 90/70mmHg, khó thở, tiêu phân đen, bụng phình căng, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi lượng vừa.
Xét nghiệm máu cho thấy cả 2 trẻ đều có tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng.
Hai bệnh nhi được điều trị tiếp tục truyền dịch cao phân tử chống sốc, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh rối loạn đông máu… Qua hơn 1 tuần điều trị, đến nay tình trạng các trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, thở khí trời.
|
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khuyến cáo, những cơn mưa đầu mùa báo hiệu mùa dịch sốt xuất huyết đã cận kề. |
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khuyến cáo, hiện đang là mùa mưa tại các tỉnh miền Nam, cũng là mùa dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, khi trẻ sốt cao liên tục không hạ từ 2 ngày trở lên, người nhà phải luôn nghĩ đến trẻ có thể mắc sốt xuất huyết chứ không chỉ lo trẻ mắc Covid-19 hay bệnh khác.
Khi trẻ có các biểu hiện như quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống... cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay.
Hầu hết các trẻ bị sốt xuất huyết không có triệu chứng nguy hiểm cần nhập viện, có thể chăm sóc tại nhà. Hạ sốt bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt với paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần cho mỗi lần sốt, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ khi sốt lại.
Sốt thường khá cao trong 3 ngày đầu. Vì vậy khi uống thuốc hạ sốt chỉ cần giảm nhiệt độ so với trước khi uống hạ sốt là đủ.
Hạn chế uống hạ sốt nhóm ibuprofen vì tăng nguy cơ xuất huyết trong giai đoạn nặng sau này.
Với những trẻ bị sốt cao, sẽ cần bổ sung nhiều nước bằng cách cho trẻ uống từng li nhỏ, uống nhiều lần trong ngày với nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh, tránh uống một lúc quá nhiều nước; không được sử dụng những nước có gas. Bù nước đủ sẽ biểu hiện bằng bé đi tiểu thường hơn, mỗi 3 - 6 tiếng/lần và nước tiểu trắng trong.
Cho trẻ em thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa ít một sẽ giúp trẻ dễ tiêu hơn và vẫn bù năng lượng cho trẻ.
Khi trẻ nôn ói, đừng vội cho trẻ ăn lại ngay, nghỉ ngơi 1 - 2 tiếng khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần. Tránh sử dụng những thức ăn có màu đen, màu đỏ vì khi trẻ nôn ói ra khó phân biệt có xuất huyết hay không.
Mời độc giả xem thêm video Singapore mở trại nuôi muỗi chống sốt xuất huyết ( Nguồn: THĐT).
An Quý