Để tránh làm dao động đường huyết, bệnh nhân tiểu đường chủ yếu chỉ ăn rau xanh, ngũ cốc chứ ít khi dám ăn các loại thịt.
Tuy nhiên loại bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi chế độ ăn có thể khiến người bệnh đuối sức, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh.
Thực tế là người tiểu đường có thể tiêu thụ được một số loại thịt lành mạnh, điển hình là thịt lươn, thịt thỏ, thịt vịt.
3 loại thịt có tác dụng ổn định đường huyết
1. Lươn
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), thịt lươn trong Đông Y có tính cam ôn, bổ kinh tỳ vị. Có công năng chủ trị bổ hư tổn, khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt, trị ho do hư lao, tiêu khát hạ lỵ (đái tháo đường, kiết lỵ).
Thịt lươn giàu đạm, vitamin nên nếu hấp cách thủy, không thêm gia vị hoặc nấu thành canh có thể là món ăn hạ đường huyết, thích hợp cho người bệnh đái tháo đường.
Người tiểu đường mỗi tuần có thể ăn 1-2 bữa lươn. Liều ăn có thể tham khảo bác sĩ vì còn tùy thuộc vào từng tình trạng sức khỏe.
Bài thuốc bồi bổ sức khỏe bệnh nhân tiểu đường từ lương do lương y Sáng chia sẻ: Dùng 200g lươn, 10g bắc sa sâm, 10g bách hợp, thêm gừng và gia vị vừa đủ, đun nhỏ lửa, nấu thành canh, ăn kèm cơm.
2. Thịt thỏ
Có một loại thịt giàu đạm nhưng lại chứa lượng cholesterol rất thấp, lành tính với bệnh nhân tiểu đường đó chính là: Thịt thỏ!
Thịt thỏ là món ăn yêu thích của người Việt vì hương vị thơm ngon, ngọt mềm nhưng không phải ai cũng biết hết được những lợi ích mà loại thịt này mang lại. Thịt thỏ được mệnh danh là vua của các loại thịt.
Trong Đông y, thịt thỏ vị ngọt, tính bình, vào tỳ vị và đại tràng, có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ chỉ khái, lương huyết, giải độc. Thích hợp cho người suy kiệt gầy sút, mới ốm dậy, nôn ói, táo bón, đại tiện xuất huyết và đái tháo đường. Có tác dụng làm tăng hoạt tính của tế bào da, tăng tính đàn hồi của da, trẻ hóa da phụ nữ.
Bài thuốc/món ăn điều trị đái tháo đường từ thịt thỏ:
Bài 1: Câu kỷ tử 15g, thịt thỏ 250g. Cho vào nồi rồi đổ nước hầm nhỏ lửa cho đến khi thỏ chín thì cho thêm gia vị… Ăn một lần trong ngày, dùng 10 ngày một đợt.
Bài 2: Thịt thỏ hầm với một số vị thuốc nam như thục địa, đương quy, xuyên khung, xích thược, hoàng kỳ, gia vị vừa đủ ăn, dùng trong ngày.
3. Thịt vịt
Thịt vịt có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, rất giàu protein... nhưng lại có hàm lượng chất béo thấp. Tiêu thụ thịt vịt ở mức độ hợp lý sẽ có tác dụng cải thiện nồng độ lipid máu, cải thiện khả năng hoạt động của insulin, nhờ đó giúp việc kiểm soát đường huyết hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý rằng khi ăn thịt vịt cần bỏ da.
Không chỉ dừng lại ở việc lành mạnh với bệnh nhân tiểu đường, thịt vịt còn được các lương y Đông y sử dụng để bồi bổ cho các trường hợp suy nhược gầy sút, ăn kém, chán ăn, kiết lỵ, táo bón, phù nề, đới hạ, khí hư, sản phụ thiếu sữa, sốt nóng dai dẳng.
1 loại thịt người tiểu đường không nên ăn
Đó là phần thịt nhiều mỡ.
Nhiều người thích vị béo của mỡ nên rất ưa chuộng những miếng thịt nhiều mỡ. Hơn nữa, họ cho rằng thịt không chứa đường thì sẽ không gây tiểu đường. Tuy nhiên, thịt mỡ chứa nhiều cholesterol và chất béo, nếu người có đường huyết cao ăn mỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đường huyết, tốt nhất là nên hạn chế ăn chúng.
Ngoài tránh ăn thịt mỡ, bệnh nhân tiểu đường cũng cần tránh ăn nhiều muối. Nếu ăn quá nhiều muối sẽ khiến cho huyết áp tăng cao, dễ tăng cân, và có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin.
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Vanderbilt, Mỹ và được công bố trên The Journal of Clinical Investigation (Tạp chí điều tra lâm sàng) cho thấy muối có liên quan đến việc tăng cân, dẫn đến bệnh tiểu đường và các bệnh nghiêm trọng khác. Mặt khác, muối còn ảnh hưởng đến lượng dopamine, quá trình đào thải của nó khiến cơ thể luôn cảm thấy đói và muốn ăn nhiều hơn
Theo Phụ Nữ Việt Nam