Ngoài 50 tuổi, tôi lên thành phố làm giúp việc để kiếm thêm thu nhập lo cho người chồng bị mất sức lao động. Con cái dù có ý định chu cấp cho bố mẹ nhưng tôi lại không muốn sống dựa vào các con. Tôi nhờ cô con gái lấy chồng gần thi thoảng chạy qua chạy lại lo cơm nước và để ý bố.
Ban đầu, con tôi cản lắm. Chúng cho rằng để mẹ đi làm giúp việc sẽ bị mang tiếng. Nhưng tôi kiên quyết giữ quan điểm. Người nhiều tuổi như tôi nếu không làm giúp việc thì biết làm gì kiếm ra tiền? Vả lại, việc nhà tôi làm thoăn thoắt. Việc trông nom trẻ nhỏ tôi tự tin khó ai bằng. Bởi tôi từng chăm 4 đứa cháu ngoại và 2 cháu nội.
Tôi may mắn được một gia đình tốt bụng, chu đáo nhận vào làm. Đồ đạc trong nhà chủ, tôi dùng chưa quen. Có lúc tôi loay hoay mãi với cái bếp từ, cái máy giặt, chủ nhà lại đến gần chỉ giúp. Dù tôi còn vụng về nhưng chủ nhà luôn tận tình hướng dẫn, chỉ cách làm thế nào tốt nhất. Ngay từ đầu, họ đã nói với tôi rằng họ không yêu cầu quá cao. Họ chỉ mong nhận được một người có tâm và biết yêu thương trẻ nhỏ.
Là người giúp việc, tôi luôn tâm niệm phải làm thế nào tốt nhất đối với gia đình chủ. Tôi làm việc với tinh thần coi nhà chủ như nhà mình, coi người thân của họ như người thân của mình. Con của chủ nhà, tôi chăm sóc ân cần, chu đáo như thể cháu nội, cháu ngoại của tôi.
Ảnh minh họa. Nguồn: 163
Sự nỗ lực và nhẹ nhàng của tôi với trẻ con khiến chủ nhà hài lòng. Họ nhận ra tôi dù chưa thực sự thành thạo công việc nhưng lại có tâm. Sau nửa năm, tình cảm của cô cậu chủ dành cho tôi cũng tốt hơn. Họ gọi tôi bằng "bà" rất ân cần, khiến tôi cảm thấy mình giống như một thành viên trong gia đình họ.
Thoáng đó tôi đã gắn bó với công việc này được 3 năm. Những ngày ở nhà chủ, tôi luôn làm việc bằng tất cả sự chân thành và cái tâm nghề nghiệp. Cả gia đình đều thích món ăn tôi nấu. Cháu bé lúc nào cũng quấn bà, chỉ mong được bà bón cho ăn.
Hơn 3 năm làm giúp việc, tôi và chủ nhà chưa từng có xích mích. Điều khiến tôi xúc động hơn cả là mỗi lần ốm đau, cô chủ đều cho tôi thêm tiền để thuốc thang và dặn tôi nghỉ ngơi cẩn thận. Có lần chồng ốm, tôi ngại không dám xin về. Chính cô chủ là người chủ động đưa tôi ra bến xe về quê. Những ngày đó, cô gửi con ở bên nhà bà nội.
Năm nay, tôi định bụng sẽ xin thôi việc để về nhà lo cho chồng vì sức khỏe của ông cũng yếu hơn. Đứa cháu nhỏ nghe được thì rơm rớm nước mắt, còn chủ nhà buồn ra mặt. Nhân dịp sinh nhật tôi, cô cậu chủ đưa cho tôi chiếc phong bì nói là tiền thưởng. Tôi mở ra xem mà không cầm được lòng.
Số tiền thưởng quá lớn. Cả cuộc đời đi làm của tôi chưa từng nhận được mức tiền thưởng cao như vậy. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra, giống như nhận được sự yêu thương từ con cái của mình.
Hôm trước, cháu nhỏ gọi điện về khóc lóc vì nhớ bà khiến tôi rưng rưng. Tôi cảm nhận được tình cảm của cháu dành cho mình không khác gì cháu nội, cháu ngoại của tôi. Ba năm ở nhà người khác, gắn bó với đứa nhỏ khiến tôi dần coi mình như bà của cháu. Hôm nay cô chủ dặn tôi lên giúp vài tháng để cô có thời gian kiếm người. Tôi đồng ý vì trong lòng rất lo cho cháu nhỏ.
Ở nhà được vài hôm, tôi lại thấy nóng ruột. Tôi vội ra vườn lấy ít rau củ, bắt con gà, xách ít gạo nếp mang lên nhà cô chủ. Tôi cũng không quên mua đồ chơi, quần áo mới cho cháu. Ngày tôi quay lại, cháu nhỏ chạy đến ôm chầm gọi bà khiến tôi nghẹn ngào.
Thực sự tôi chưa từng nghĩ mình lại có được thứ tình cảm tốt đẹp như vậy. Tôi không chỉ coi đây là công việc mà còn giống như một phần trách nhiệm của mình. Tôi thương con của cô cậu chủ, sợ cháu không có ai chăm sóc, sợ cháu buồn. Về đến nhà tôi lại nhớ nhung cháu như nhớ người thân của mình.
Tôi dần thoát khỏi nỗi sợ hãi làm giúp việc nhà giàu. Và cũng dần thấm thía hơn câu nói: ở đời, sống chân tình ắt nhận lấy tình thân.
Theo Vietnamnet