Chỉ vì hủ tục ác nghiệt, chị Hồ Khâm (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã phải ra bờ suối sinh con một mình 8 lần, phó mặc số phận giữa rừng vắng. Chị đã 4 lần chết lặng, đau đớn nhìn 4 đứa con yếu ớt phải “về với núi rừng”...
“Ma rừng” bắt… vượt cạn bên bờ suối
Ngồi bên góc vườn là người đàn bà trạc tuổi ngũ tuần, nước da đen sạm vì cháy nắng, trên tay cầm mấy hạt ngô để sắp sửa gieo nương. Lân la bắt chuyện: “Chị tên gì ạ?”, người phụ nữ bẽn lẽn có phần nhút nhát, nói lí nhí: “Dạ, tên là Khâm”.
Nhưng khi được hỏi về tuổi tác thì chị chỉ lắc đầu. Hầu như đồng bào Chứt ở bản không biết về tuổi tác của mình, họ chỉ biết mình được sinh ra ở trong hang núi sâu và được đưa về Rào Tre sinh sống hàng chục năm nay rồi.
|
Chị Hồ Khâm, người phụ nữ 8 lần vượt cạn ở ngoài bờ suối và sau đó 4 đứa con đã “về với núi rừng” vì quá yếu.
|
Người phụ nữ ấy kể về những lần vượt cạn của mình và đưa những ngón tay ra đếm số lượng người con khi tôi hỏi đến. Chị dừng lại ở ngón tay số 8, rồi ậm ừ: “Tôi có 8 người con, nhưng 4 đứa chết rồi”.
Tám lần chuyển dạ là ngần ấy lần chị Khâm (bản Rào Tre, xã Hương Liên, xã Hương Khê, Hà Tĩnh) cô độc vật lộn, giành giật giữa sự sống của con thơ từ tay “ma rừng” giữa đại ngàn heo hút. Đến giờ, chị vẫn chưa hết kinh hãi.
Chị tâm sự: “Theo hủ tục của người Chứt, ngày trước sinh con là phải ra bờ suối đủ 16 ngày mới được về nhà ở. Theo tục lệ, nếu không làm như vậy, sẽ mang lại điều xui xẻo cho cả bản. Khi ra suối sinh con sống thì không nói, còn nếu chết thì là do ma rừng bắt chết”.
Những buổi đêm mùa đông lạnh ngắt nơi núi đồi, tiếng thú rừng gào rú từng hồi khiến người đàn bà khóc trong sợ hãi.
“Có những mùa đông sinh con một mình, lúc lên cơn đau, vớ được cây nào bên suối thì bám chặt vào đấy rồi lấy hết sức để đẻ. Những tiếng kêu của thú rừng kêu bên kia rú thì người em lại lạnh ngắt. Sợ thú bắt mất con”, chị Hồ Khâm nghẹn lại.
Vào thời điểm sinh nở, để sống sót trong điều kiện thiếu thốn và khắc nghiệt, người mẹ Chứt phải tự lo liệu mọi thứ.
“Ngày ấy khi sinh con ngoài suối, thỉnh thoảng có chồng đến thăm và chăm sóc, nhưng một mình lo cho con là chủ yếu. Không có thuốc thang như bây giờ mô, nhiều lần đẻ không cầm máu được khiến tôi ngất lên ngất xuống”, chị Khâm nhớ lại quá khứ kinh hoàng.
Chị cười rồi tiếp lời: “Giờ hủ tục kia không còn nhưng cũng khó khăn. Con gái tôi là Hồ Sâm, hắn đẻ ở vườn nhà mà cũng khó đẻ hơn lúc tôi đẻ ở bờ suối, đẻ rồi đứa cháu còn què chân nữa”.
Hủ tục bị đẩy lùi, những phụ nữ sau này không còn phải ra suối sinh con nữa, sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh được đảm bảo hơn nhờ sự chăm sóc của bộ đội BP.
Hủ tục bị đẩy lùi, những phụ nữ sau này không còn phải ra suối sinh con nữa, sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh được đảm bảo hơn nhờ sự chăm sóc của bộ đội biên phòng.
Nói đoạn, chị chỉ tay vào đứa cháu của mình, cháu H.T.H.T với bàn chân tật nguyền. “Con gái tôi Hồ Sâm đó, có đứa cháu bị tật ở chân nhưng may không có đứa mô chết. Còn tôi thì...”, vẻ mặt buồn bã, chị tâm sự.
Tiếp tục câu chuyện, chúng tôi mới biết được, người phụ nữ 8 lần vượt cạn bên bờ suối nhưng chỉ giữ được 4 người con.
“Lúc 4 đứa con tôi lên cơn co giật vì thầy mo không đến kịp nên mới bị chết. Nghe họ nói chết vì sốt rét, chết mau lắm. Nhìn chúng lên con co giật, sùi bọt mép, tôi chỉ biết nhìn con rồi rơi nước mắt. Lúc thầy mo đến thì đã muộn, ông ấy nói ma rừng bắt chúng đi rồi”, chị Khâm tiếp lời.
Không chỉ một mình chị Khâm, thời ấy ở bản Rào Tre còn rất nhiều người phụ nữ chịu chung số phận. Nhiều bà mẹ vượt cạn một mình bên suối sức khỏe yếu, nhiễm trùng rồi mất cả mẹ lẫn con.
Gian nan xua đuổi hủ tục
Bắt đầu từ năm 2000, đồng bào Chứt dưới chân núi Ka Đay đã từ bỏ việc sinh đẻ ở bờ suối.
Từ đó, họ dựng lên những chiếc lán nhỏ ở sát mép vườn để cho phụ nữ chuyển dạ. Sự thay đổi lớn lao đó là một quá trình đấu tranh, tuyên truyền đầy gian nan của lực lượng bộ đội biên phòng ở bản Rào Tre.
“Bộ đội kết hợp với lực lượng quân y đã tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu rằng cần phải từ bỏ việc sinh đẻ ở bờ suối. Lúc đầu họ không nghe đâu, sau đó khuyên bảo họ lên ở gần nhà để gia đình tiện bề chăm sóc, bác sĩ quân y sẽ can thiệp kịp thời khi có sự cố xảy ra với sản phụ”, Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ biên phòng cắm bản (Trạm BP Rào Tre - Đồn BP 565) cho biết.
Trung tá Tịnh kể tiếp: “Quá trình đấu tranh để bãi bỏ hủ tục về sinh đẻ ở bờ suối không hề dễ dàng. Bộ đội phải đến từng nhà dân vận động, giải thích. Bây giờ hầu như tất cả phụ nữ không đẻ ở bờ suối nữa, họ dựng lán ở trong vườn để đẻ. Cứ thay đổi từ từ từng bước như thế, trong tương lai họ sẽ tiến bộ hơn”.
Hồ Sâm (con gái chị Hồ Khâm) tâm sự: “Lâu lắm rồi chị em ở bản không còn phải ra bờ suối vượt cạn một mình nữa mà được chuyển dạ trong một chiếc lán ở góc vườn. Như thế mà còn khó, nếu quay về cái thời phải sinh đẻ ở bờ suối chắc em không làm được. Mỗi lần nghe mẹ em kể lại ngày đó là em thấy rùng mình”.
Mặc dù hủ tục dai dẳng, ám ảnh nhất người đã chấm dứt, sức khỏe người dân dần được cải thiện hơn, tuy nhiên, còn đó nhiều “cái chưa được” vẫn còn vây riết đồng bào.
Dân bản lười lao động và rất dễ tiêm nhiễm “thói hư tật xấu” từ bên ngoài, đặc biệt là những thứ tân thời như “nhạc remix”, nhuộm tóc xanh đỏ. Nhất là nạn uống rượu, đổi gạo, thực phẩm lấy rượu của bà con.
“Thanh niên bản, có thể chẳng cần cái gì to lớn, nhưng đầu tóc của họ là phải nhuộm màu sặc sỡ. Kể cả đồng chí đại biểu HĐND huyện, được đề cử để ra mắt cử tri, sơ hở một lát là đi mất tích rồi, tìm khắp nơi mọi chốn cũng không tìm được, nhưng sau đó lại tìm thấy trong quán cắt tóc, thì ra anh ta đang nhuộm tóc”, trung tá Tịnh cười nói.
Cũng theo Trung tá Tịnh: “Hiện nay rượu là nỗi ám ảnh và đáng lo ngại nhất đối với đồng bào Chứt. Có được cái gì làm ra thì ban đêm đổi lấy rượu uống. Không chỉ đàn ông mà đàn bà cũng uống rượu. Hôn nhân cận huyết thống cũng đang là vấn đề nhức nhối ở đây”.
Theo VietnamNet