Những thực phẩm nên tránh khi bị gan nhiễm mỡ
BS Ngô Văn Vinh - Chuyên khoa Truyền nhiễm cho biết không chỉ ở những người uống nhiều rượu bia mà gan nhiễm mỡ xảy ra với cả những người có chế độ ăn uống quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán.
Theo thống kê ở Việt Nam mới đây, có đến 20 - 30% dân số bị gan nhiễm mỡ các mức độ từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân đa phần do uống nhiều rượu bia, do dinh dưỡng, thói quen và lối sống,… Nhiều người bị gan nhiễm mỡ nhẹ nhưng chủ quan, để bệnh tiến triển đến xơ gan, ung thư gan nguy hiểm đến tính mạng.
|
Người bị gan nhiễm mỡ cần kiềng gì? Ảnh PĐH |
Cuộc sống hiện đại bận rộn, khiến con người ăn uống thất thường, lười vận động, tình trạng béo phì và gan nhiễm mỡ vì thế ngày càng tăng.
Theo BS Ngô Văn Vinh - Chuyên khoa Truyền nhiễm gan là cơ quan đảm nhận công việc chuyển hóa lượng mỡ hấp thụ vào cơ thể qua thực phẩm. Vì thế, nếu lượng mỡ quá nhiều, gan không thể chuyển hóa hết thì sẽ tích tụ, gây gan nhiễm mỡ. Do chưa có thuốc điều trị triệt để nên chế độ ăn uống là cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp cân bằng, loại bỏ mỡ thừa trong gan và cơ thể.
Nếu bị chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ thì việc lên kế hoạch và ăn uống hợp lý cần thực hiện ngay lập tức. Gan nhiễm mỡ không phải bệnh ác tính nguy hiểm nhưng nếu để lâu ngày có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Nếu bạn thừa cân, béo phì thì cần thực hiện chế độ giảm cân khoa học, theo chỉ định của bác sỹ. Đồng thời hạn chế nạp năng lượng dư thừa, hạn chế chất béo có hại, thay vào đó là rau củ quả, trái cây, ngũ cốc.
Nếu gan còn khỏe, chỉ bị nhiễm mỡ cấp độ 1 thì bạn vẫn có thể ăn được 100g cá, 50g thịt, một miếng đậu hũ mỗi bữa ăn. Nhưng nếu gan bị suy giảm chức năng, đặc biệt gan nhiễm mỡ kèm theo xơ gan, viêm gan mạn thì nên giảm hàm lượng đạm tùy theo mức độ suy gan.
Các loại chất béo no từ mỡ, nội tạng, da động vật,… cần hạn chế tối đa. Có thể ăn mỡ cá 2 lần/tuần. Bổ sung tăng cường rau xanh ít nhất 300g, 200g trái cây mỗi ngày để cung cấp chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất.
Bệnh nhân viêm gan B cũng cần bảo vệ gan bằng việc ngưng uống rượu bia, các loại nước ngọt có ga khác. Các loại thuốc có chức năng giải độc gan, hỗ trợ men gan,… cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng. Có thể uống các loại trà mát gan, lợi tiểu như: trà hoa cúc, trà lá sen, trà atiso,… hoặc nước ion kiềm hàng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh.
Hoạt động thể dục thể thao hàng ngày, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học tự nhiên mới đạt hiệu quả điều trị gan nhiễm mỡ tốt nhất.
Gan nhiễm mỡ kiêng gì?
Khi bị mắc gan nhiễm mỡ, BS Ngô Văn Vinh - Chuyên khoa Truyền nhiễm khuyến cáo người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp để tránh làm tăng độ của gan nhiễm mỡ.
Chất béo, mỡ động vật, khi dung nạp vào cơ thể sẽ được chuyển đến gan để bài tiết. Do đó, chế độ ăn uống chứa quá nhiều mỡ động vật làm tăng gánh nặng cho gan, khiến gan không thể bài tiết hết, gây tích tụ dẫn đến gan nhiễm mỡ. Vì thế, bạn nên ngừng ăn mỡ, dầu động vật, thay thế bằng dầu thực vật.
Thực phẩm giàu Cholesterol, những nội tạng động vật như: gan, tim, ruột,… và lòng đỏ trứng đều chứa lượng Cholesterol cao, không tốt cho người bị gan nhiễm mỡ. Do đó trong quá trình điều trị, cần kiêng ăn những thực phẩm này.
Các loại thịt đỏ, Thịt bò, thịt lợn,… chứa rất nhiều protein, tốt cho sức khỏe con người nhưng lại làm tăng gánh nặng cho những người gan nhiễm mỡ. Vì thế, nếu bạn chưa biết gan nhiễm mỡ kiêng gì thì chắc chắn nên hạn chế, ăn lượng vừa đủ thịt đỏ để tránh khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Rượu, bia, đồ uống có cồn đây là thức uống cấm tuyệt đối với người bị gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ còn uống nhiều rượu bia sẽ khiến bệnh tiến triển rất nhanh, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Gia vị cay nóng, đặc biệt kết hợp với đồ chiên xào đều không tốt cho gan, làm suy giảm chức năng gan, khiến mỡ càng tích đọng nhiều, bệnh tình trở nên nặng hơn.
Người bị bệnh gan nhiễm mỡ thường rất khó thực hiện chế độ ăn kiêng, với nhiều rau xanh, chất xơ, ít thịt và hầu hết đều là món ăn luộc, hấp.
Theo Khánh Chi/Infonet