|
Ảnh minh họa. |
Nhìn chung, ngứa da do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là bệnh tại chỗ hoặc do bệnh lý hệ thống. Riêng các bệnh nhiễm ký sinh trùng, côn trùng có thể gây ngứa như bệnh cái ghẻ sarcoptes scarbei, do cái ghẻ có kích thước rất nhỏ khoảng 0,3mm đào hầm trong nếp gấp da đẻ trứng, thải phân nên kích thích da gây ngứa dữ dội. Do côn trùng như rệp, chí, rận ở người và động vật truyền sang người đốt gây ngứa tại chỗ.
Một số ký sinh trùng thuộc nhóm giun sán như ấu trùng giun móc chó mèo lạc chỗ, khi tiếp xúc với da chúng sẽ chui qua da nhưng không đi vào mạch máu được mà chỉ lang thang dưới da tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo, gây ngứa dọc theo đường đi của ấu trùng. Triệu chứng ngứa kéo dài khoảng 1 tuần rồi tự khỏi. Các loại ấu trùng giun tròn lúc chui qua da đi vào mạch máu như ấu trùng giun móc Ankylostoma duodenal hoặc Necator americamus, giun lươn strongyloides stercoralis... thường triệu chứng ngứa chỉ tồn tại khoảng 2 ngày rồi tự khỏi.
Nhóm ong, ve đốt người, gây ngứa tại chỗ đốt, vết thương có thể sưng to, đau, hoặc nặng có thể gây sốc phản vệ, tử vong, nhất là khi bị ong bò vẽ đốt. Gần đây nhiều người còn ngứa do kiến khoang đốt. Côn trùng này khi đậu lên da sẽ gây nhột, nếu đập chết sẽ xịt ra nước gây viêm da dị ứng, có thể bị tái bệnh nhiều lần, thường gây tổn thương trên vùng da trần như tay, cổ, mặt... Chúng sống ở những nơi có nhiều cỏ mục, bụi cỏ, rơm, rạ. Do côn trùng này rất thích ánh sáng nên thường bay theo gió, trúng người thì sẽ gây ngứa, phồng rộp da...
Khi bị ngứa kéo dài trên 1 tuần, nhất là ngứa ở các vị trí chuyên biệt như mắt, cơ quan sinh dục, hậu môn, ở nếp gấp bẹn, cổ tay, mông, vùng dưới vú thì phải đi khám kỹ để được tầm soát các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm vi nấm hoặc ký sinh trùng để có hướng chẩn đoán và điều trị kịp thời.
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM)