"Tôi mới làm việc trong văn phòng được vài tháng, mỗi ngày đều ngồi tới hơn 8 giờ. Khối lượng công việc nhiều nên dường như không có thời gian để vận động hay đi lại. Tôi lo lắng không biết việc ngồi lâu như thế này liệu có dẫn đến bệnh trĩ?".
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Châu Hoàng Quốc Chương, Phó trưởng khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Ngày nay, số lượng nhân viên văn phòng mắc bệnh trĩ có xu hướng tăng, điều này khiến một số người lầm tưởng ngồi nhiều là nguyên nhân gây ra bệnh này.
Ngồi liên tục từ 2 giờ trở lên được xem là ngồi nhiều, khiến mạch máu khó lưu thông, dẫn đến sự ứ trĩ trong hệ tĩnh mạch trĩ.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là một trong những nguy cơ gây bệnh bên cạnh các yếu tố khác như đứng lâu, táo bón kéo dài, hội chứng lỵ, hội chứng ruột kích thích, tăng áp lực ổ bụng (có thai, sinh con, kiêng vác nặng) hay u bướu hậu môn trực tràng và vùng xung quanh.
Ngoài ra, các thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng có thể dẫn đến bệnh này, bao gồm uống nhiều bia rượu, ăn cay (ớt, tiêu…), uống ít nước, ăn ít chất xơ và đi đại tiện lâu.
Mặt khác, bệnh trĩ có yếu tố di truyền nên mặc dù các thói quen sinh hoạt được kiểm soát tốt, bạn vẫn có khả năng mắc bệnh.
Để nhận biết bản thân có mắc bệnh trĩ hay không, bạn cần chú ý dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Nếu đi tiêu ra máu đỏ tươi, không lẫn phân, nhỏ giọt, sau đó phun thành tia như cắt tiết gà, bạn cần đến ngay bệnh viện để thăm khám và điều trị. Các triệu chứng nặng hơn có thể là sa trĩ hay biến chứng gồm sa nghẹt, huyết khối gây đau và nhiễm trùng.
Theo Độc giả Tấn Phúc/Zing