Liên tiếp các ca ngộ độc nặng vì ăn đặc sản côn trùng
Ngày 4/5, Cục An toàn thực phẩm cho biết, Lào cai vừa tiếp tục ghi nhận bệnh nhân ngộ độc do ăn côn trùng lạ.
Theo đó, trưa ngày 30/05/2024, tại hộ gia đình ông Nguyễn Thanh T, (Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) tổ chức ăn cơm trưa với 04 người tham gia. Ngoài ăn các món: Thịt chó nấu rượu mận, canh xương chó nấu nấm kim chi, rau muống luộc ra, ông Nguyễn Thanh T. ăn thêm món côn trùng rang với củ hành khô.
Sau khi ăn được một con, ông T. có biểu hiện tê môi, lưỡi nhưng ông vẫn tiếp tục ăn thêm 4 đến 5 con nữa. Sau ăn khoảng 30 phút, ông T. có biểu hiện tê môi, lưỡi nhiều hơn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, buồn nôn, nôn, tiểu buốt, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng và được chẩn đoán là ngộ độc sâu ban miêu, suy thận, tiêu cơ vân. Đến 15h15 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị.
Ảnh côn trùng còn sống - Ảnh BVCC
Qua điều tra, xác minh cho thấy loại côn trùng trên được anh T. bắt ngoài vườn rau ngót của nhà mang về rang để ăn (do xem thông tin trên mạng xã hội nói là loại côn trùng này không có độc và ăn được). Côn trùng có chiều dài khoảng 2cm, chiều ngang khoảng 0,3cm, mình mầu đen, phần đầu mầu đỏ cam.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành lấy 02 mẫu côn trùng: 01 mẫu côn trùng rang hành khô còn lại sau bữa ăn và 01 mẫu côn trùng còn sống cùng loại bắt ngoài vườn rau ngót gửi kiểm nghiệm.
Người dân vùng núi hiện nay thường có thói quen bắt và chế biến các loại côn trùng thành các món ăn và coi là đặc sản. Công nghệ thông tin cũng bùng nổ với rất nhiều các video về ẩm thực tự nhiên nhằm mục đích câu view, câu like mà chưa được kiểm chứng. Việc không biết rõ các loại côn trùng đó có độc hay không, cách chế biến như thế nào cho đúng… thì nguy cơ gây ra ngộ độc rất cao, tỷ lệ tử vong do độc tố tự nhiên là rất lớn.
Ảnh côn trùng được chế biến - Ảnh BVCC
BS Hoàng Thế Huynh – Khoa Cấp cứu, bệnh viện đa khoa Lào Cai cho biết, trước đó, ngày 11/05/2024 Khoa cũng tiếp nhận bệnh nhân V.V.M, nam, 38 tuổi vào viện trong tình trạng nôn, xuất tinh không tự chủ, bí đái sau ăn sâu lạ nướng.
Qua khai thác người nhà, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc do ăn sâu ban miêu, một loại sâu rất độc, nguy cơ tử vong cao, đã được các bác sỹ dùng các phương pháp tối ưu như rửa dạ dày, thải độc tích cực, lọc máu cấp cứu, nhưng do bệnh rất nặng bệnh nhân đã được người nhà đưa về theo nguyện vọng gia đình.
02 mẫu côn trùng được gửi kiểm nghiệm - Ảnh Cục An toàn Thực phẩm cung cấp
Hầu hết ngộ độc sâu ban miêu đều tử vong
Theo BS Hoàng Thế Huynh, sâu ban miêu sống nhiều ở khu vực đồi núi và đồng bằng. Chúng có tên gọi khoa học là Cantharis vesicatoria hoặc có nhiều tên khác như bọ xít lửa, manh trùng, ban manh hoặc ban mao.
Ở Việt Nam, sâu ban miêu thường cư trú trên cây đậu nên được gọi là sâu đậu. Loài sâu này có cánh cứng, thân nhỏ dài khoảng 15 – 20mm và rộng khoảng 4 – 6 mm. Đầu sâu hình tim, có rãnh dọc ở giữa và râu đen hình sợi. Thân sâu có khoảng 11 đốt, ở giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy cánh sâu ban miêu có các chấm màu đỏ nhạt hoặc màu vàng nổi bật trên thân đen.
Ngoài ra, tuỳ loại sâu mà có loài thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen. Bên dưới bao cánh có 2 chiếc cánh mỏng trong suốt màu nâu. Bụng sâu chia thành từng đốt vòng và ức có 3 đôi chân. Sâu ban miêu có mùi hăng đặc trưng, vị đầu cay và sâu đắng.
Người dân truyền miệng loài sâu này có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp…, nghĩ là lành nên người này đã bắt sâu về chế biến làm thức ăn. Ở nước ta sâu ban miêu được dùng làm thuốc đông y, cũng được 1 số thương lái Trung Quốc thu mua.
Sâu ban miêu - Ảnh minh họa
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội phân tích, sâu ban miêu chứa cantharidin – một hoạt chất cực độc nằm trong nhóm chất độc bảng A. Chất này mạnh gấp nhiều lần thuốc diệt cỏ Paraquat gây hoại tử ruột và suy đa tạng khi ăn phải.
Độc tố cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu,…. Trên thế giới cho tới nay chưa có phác đồ điều trị có hiệu quả cao, điều trị thực tế rất thay đổi và tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất hiện có cũng như khả năng hồi sức của cơ sở. Tuy nhiên theo ghi nhận từ báo chí gần đây, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.
Hiện tại ở Việt Nam chưa có xét nghiệm độc tố cantharidin. Thông thường, độc tính chỉ có sâu ban miêu đực. Khi vào mùa sinh sản, chúng sẽ dùng chất này truyền sang con cái để bảo vệ trứng sâu. Mặt khác, khi tiếp xúc với hơi độc này thì mắt bạn sẽ bị cay, bỏng rát và cần rửa thật sạch hoặc tới ngay bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
Trong ứng dụng Đông y, sâu ban miêu thường phá huyết. Vì thế, chúng có tác dụng chữa chó dại cắn, thai lưu hoặc bôi ngoài trị nhọt độc và trùng độc. Nhiễm độc sâu ban miêu là nhiễm độc gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu ban đầu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này. Theo khuyến cáo ăn từ 2-3 con sâu ban miêu đã có thể gây tử vong cho 1 người lớn khỏe mạnh.
Nhiễm độc sâu ban miêu là nhiễm độc gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu ban đầu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này. Nhiều loại chất độc tự nhiên mà chúng ta chưa biết được hết khuyến cáo người dân không nên ăn thử các loài động vật thực vật mà chúng ta chưa hiểu biết hết về nó.
Hiện tại chưa có phác đồ điều trị ngộ độc Sâu ban miêu. Hầu hết người bị ngộ độc sâu ban miêu đều tử vong.
Biểu hiện ngộ độc sâu ban miêu:
– Nóng rát cổ họng, đau dạ dày và đường ruột;
– Bỏng niêm mạc đường tiêu hoá gây nguy cơ nhiễm trùng đường ruột hoặc kỵ khí vào ổ bụng và máu;
– Buồn nôn, nôn ra máu, tiêu chảy ra máu, nặng nhất là xuất huyết dạ dày;
– Đi tiểu ít hoặc tiểu ra máu;
– Đối với nam, dương vật sẽ cương cứng gây đau đớn và khó chịu trong thời gian dài;
– Khát nước và mất nước nghiêm trọng dẫn đến suy giảm chức năng thận;
– Suy đa tạng, suy hô hấp, tụt huyết áp;
– Triệu chứng về rối loạn thần kinh dẫn đến hôn mê và tử vong chỉ trong vòng
– Ngoài ra, khi tiếp xúc ngoài da, niêm mạc bạn có thể bị bỏng, rộp da nặng và có nguy cơ tiến triển thành viêm mô bào trên da, hay viêm loét giác mạc ở mắt.
Thúy Nga