Nói về tác hại của cà phê trộn lẫn pin, Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong pin có các kim loại nặng cực độc như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium và Asen… có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn tới tử vong hoặc ngộ độc mạn tính nguy hiểm cho não, gan, thận, tim.. và khả năng sinh sản của con người.
|
Cơ sở chế biến cà phê bằng cách trộn với bột màu đen trong lõi pin. Ảnh: Zing.
|
Nếu uống cà phê trộn pin trong thời gian dài, các chất độc sẽ nhiễm và tích lũy dần rồi gây hại cho cơ thể gây nên ngộ độc mạn tính. Nơi tích lũy kim loại nặng nhiều nhất là gan, thận, não rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu.
Khi cơ thể tích lũy một lượng đáng kể kim loại nặng sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sung lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây sẩy thai ở thai phụ.
Cách xử lý ngộ độc khi uống cà phê trộn pin
Theo khuyến cáo, khi nghi ngờ bị ngộ độc chì có trong pin, người dân có thể đến các bệnh viện để yêu cầu xét nghiệm độc chất này trong máu cũng như các xét nghiệm lâm sàng.
Người được chẩn đoán nhiễm chì thường có triệu chứng thần kinh như mệt mỏi, uể oải, chóng mặt, đôi khi tăng động, co thắt, ăn uống kém… Đây là các diễn biến âm thầm.
Khi trở nặng có các biểu hiện co giật, lơ mơ, hôn mê… Bởi khi hàm lượng lớn chì vào cơ thể sẽ tấn công vào hệ thần kinh, gây tăng áp lực nội sọ, tổn thương não cấp, cột sống, gây tê liệt các nơron thần kinh dẫn đến một số trường hợp bị liệt chi...
Bệnh nhân bị ngộ độc chì cấp cần đưa đến bệnh viện cấp cứu và dùng thuốc giải độc chì chuyên sâu. Nếu nghiêm trọng, bệnh nhân cần dùng đến phương pháp chelation. Đây là cách điều trị làm cho chì tích tụ trong cơ thể bị gắn kết lại. Chì được gắn kết sau đó sẽ bài tiết ra ngoài theo nước tiểu của bạn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng chất EDTA hoặc than hoạt tính để gắn kết với chì trong đường tiêu hóa và thải chì ra ngoài khi đi vệ sinh.
Trong khẩu phần dinh dưỡng, người bệnh cần bổ sung thêm sắt, canxi và vitamin C do các chất này có khả năng giải độc chì tốt.
Đối với biểu hiện ngộ độc thủy ngân trong pin, cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện rửa dạ dày với than hoạt tính trong trường hợp ngộ độc theo đường tiêu hoá mới xảy ra, phục hồi nước và điều chỉnh các rối loạn cân bằng chất điện giải.
Trường hợp ngộ độc cấp tính, sử dụng thuốc chống độc dimercaprol (BAL) với liều 3,5 mg/kg cứ 6 giờ cho một lần. Penicillamin được sử dụng để điều trị ngộ độc mạn tính với liều 1 g/ngày.
Những thuốc chống độc này phải tiếp tục cho tới khi nào mức bài tiết thủy ngân ra nước tiểu giảm xuống dưới 50 μg/24 giờ. Những thuốc chống độc không có hiệu quả gì tới những rối loạn thần kinh đã gây ra bởi dẫn xuất alkyl-hóa của thuỷ ngân.
Tốt nhất, khi có các dấu hiệu ngộ độc do bất cứ chất gì, cần nhanh chóng đến viện để bác sĩ kịp thời điều trị.
Thảo Nguyên