Tết là ngày đoàn viên ấm cúng nhưng cũng là nỗi sợ của không ít người. Người sợ bị “hành xác” vì nấu nướng, rửa bát, bưng mâm, người sợ việc chuẩn bị quà cáp hai bên nội ngoại, người thì ngán ngẩm khi nghĩ về tiền lì xì Tết.
Trong vô vàn lý do chán Tết, chị Kim Ngân (32 tuổi) luôn thấy lý do của mình đáng buồn. Không phải chị sợ “đầu tắt mặt tối” dọn dẹp, cũng chẳng phải do vướng bận con nhỏ mà bởi, chị sợ khoản tiền quà cáp, lì xì.
|
Sợ Tết về chỉ vì phải lì xì (ảnh minh họa) |
Chị là gái Tuyên Quang, lấy chồng Vĩnh Phúc nhưng lại lập nghiệp ở Hà Nội. Năm nay là năm thứ 5 chị làm dâu, những tưởng mọi thứ đã thành thạo, nào ngờ vẫn có sai sót khiến mẹ chồng không hài lòng.
Những năm đầu tiên, vợ chồng chị thống nhất chuyện lì xì Tết do một mình chị đưa. Chị hỏi chồng kỹ lưỡng số lượng con cháu xa gần và phong tục lì xì nơi đây để biết mà chuẩn bị cho chu đáo, tránh nhiều quá thì tốn kém mà ít quá lại bị họ hàng cười chê.
Khi ấy, vợ chồng chị chưa có thu nhập ổn như bây giờ, nhà cửa cũng chưa ổn định, chị cũng gọi là có cái cớ để “liệu cơm gắp mắm”. Nhưng năm nay, mọi thứ đã hoàn toàn khác. Vợ chồng chị vừa mua được mảnh đất, cất được quả nhà nhỏ ở Hà Nội. Mẹ chồng chị đi khoe khắp nơi, làng trên xóm dưới đều nói vợ chồng nhà Ngân – Đạt giỏi giang, giàu có, còn trẻ mà đã có nhà thủ đô.
Chị là người hiểu rõ nhất tình hình kinh tế nhà mình nên nghe xong vô cùng ái ngại. Xây xong quả nhà, chị gần như cạn tiền, lại đang nuôi con ăn học nên chuyện chi tiêu trong nhà vẫn phải “giật gấu vá vai”. Tết này, chị vừa chuyển sang chỗ làm mới chưa lâu nên được thưởng 10 triệu đồng, cộng thêm lương tháng 1/2019. Chồng chị được thưởng “nhỉnh” hơn một chút nhưng chị vẫn lo ngay ngáy khoản quà cáp lì xì ngày Tết vì trước đó chị em nhà chồng đã đua nhau đánh tiếng rằng “Tết này, con cháu tha hồ nhận lì xì của cô chú”.
Số quà chị mua từ Hà Nội đem về chỉ trong buổi sáng 29 Tết đã phân phát hết. Chiều đó, vợ chồng chị phi xe lên thị trấn mua thêm, để chia cho nhà anh em ruột của bố mẹ chồng.
Chồng chị còn mua một con dê, làm cơm tất niên đãi họ hàng. Tối 30 Tết có chút thời gian kiểm kê lại tiền, chị giật mình vì đã tiêu hết quá nhiều.
Nhưng đó vẫn chưa là gì so với khoản lì xì Tết cho các cháu chồng. Chồng chị vốn tính rộng rãi, trước khi về đã nhắc chị năm nay tăng tiền lì xì lên vì dù sao cũng mang tiếng có tiền mua đất làm nhà Hà Nội. Chị đồng ý nhưng cũng phải tính toán cẩn thận để tránh quá tốn kém.
Chồng chị là con trai út trong nhà, bên trên có bốn chị gái, mỗi chị gái có ba người con. Các cháu nội, ngoại nhà anh em ruột của bố chồng, mẹ chồng cũng phải lên tới gần 30 cháu.
Tính toán xong, chị quyết định mừng tuổi cho bố mẹ chồng mỗi người 2 triệu đồng, bà nội chồng 1 triệu đồng, các cháu ruột của chồng mỗi người 300.000 đồng, còn các cháu xa hơn thì mỗi người 50 đến 100.000 đồng tùy thuộc lớn nhỏ. Tính sơ sơ, chị đã tốn mất gần chục triệu tiền lì xì bên nội, chưa tính bên ngoại.
Nhưng mọi chuyện hoàn toàn đi xa với dự tính của chị. Chị không ngờ năm nay, anh em nhà chồng lại kéo đến chơi đông như vậy. Cả những người cháu xa lắc xa lơ đến nhà, mẹ chồng chị cũng giục đi lấy phong bao lì xì. Vì không chuẩn bị trước tiền 20.000 đồng nên chị đều phải mừng tuổi 50.000 đồng. Chưa kể, các chị em chồng rủ đi mừng thọ hết ông này đến bà nọ, đến mỗi nơi chồng chị lại rút tiền mừng tuổi riêng cho họ nói là “xin cái lộc tuổi của các cụ”. Những khoản phát sinh này ngốn thêm của chị 3 triệu nữa.
Chị biết không nên tính toán quá chi li nhưng vẫn tiếc đứt ruột về chuyện lì xì. Đã vậy, chị còn bị mẹ chồng quở trách là lì xì cho các cháu không công bằng, đứa năm chục, đứa một trăm… Chị dù không dám nói gì nhưng rất ấm ức bởi mẹ chồng không biết rằng, cùng là con cháu nhưng có cháu xa, cháu gần và túi tiền của chị chỉ có hạn.
Cũng vì chi tiêu bên nhà chồng quá nhiều mà sang bên nhà mình, chị phải cắt giảm nhiều thứ.
Đáng lẽ, chị sẽ công bằng “nội sao thì ngoại vậy” nhưng rút cuộc chỉ dám mừng tuổi bố mẹ mỗi người 500.000 đồng, các cháu ruột mỗi người 200.000 đồng. Con cháu bên ngoại đông đúc chẳng kém bên nội nên dù hết sức tiết kiệm chị vẫn tiêu hết 5-6 triệu đồng.
Đêm mùng 3 Tết chị ngồi lại với chồng tổng kết chi tiêu. Riêng tiền lì xì, chị đã tốn gần 20 triệu, vượt khá nhiều so với dự tính. Chưa kể, chị còn tốn kha khá tiền cho khoản quà cáp, thiết đãi họ hàng. Rồi đây sau cái Tết, chị lại phải lo ngay ngáy tiền chi tiêu cho gia đình trong cả tháng kế tiếp.
Theo Hạ Nhiên/ Dân Việt