Tôi lấy vợ năm 30 tuổi. Cái tuổi nhiều người đàn ông đã thành đạt, nhưng tôi vẫn chỉ là nhân viên văn phòng bình thường, lương đủ tiêu. So với bạn bè, tôi quá may mắn vì lấy được vợ xinh đẹp, công việc ổn, lại là con nhà khá giả.
Nhưng với bố mẹ vợ, tôi chỉ là chàng rể “may mắn” vì lọt vào mắt xanh con gái họ. Nhiều năm, dù tôi cố gắng thế nào thì cũng không có tiếng nói trong nhà.
|
Ảnh minh họa: Minh Hiền |
Nhà vợ tôi có 4 chị em gái, vợ là út. Các chị đều xinh đẹp và lấy chồng giàu có. Mỗi lần về quê ngoại, các anh chị đều đi ô tô riêng trong khi vợ chồng tôi lọ mọ đi xe khách.
Chúng tôi cũng không biếu được bố mẹ nhiều tiền bởi lương hai đứa chỉ nhàng nhàng, đủ chi tiêu trong gia đình.
Nhiều lúc thấy cảnh anh chị giàu có, tôi cũng tự trách mình không làm vợ mở mày mở mặt. Cũng may, vợ luôn ủng hộ tôi, không câu nệ tiểu tiết.
Tuy chúng tôi không giàu bằng anh chị, nhưng cũng may mắn hơn nhiều người khác. Cưới nhau được 6 năm, thấy cảnh đi thuê nhà vất vả, chúng tôi bàn nhau vay mượn thêm để mua một căn chung cư trả góp nhỏ xinh. Hai vợ chồng từ đó càng vun vén, tiết kiệm từng nghìn.
Dù khó khăn nhưng tôi chưa từng quên trách nhiệm với gia đình đôi bên, nhất là nhà ngoại. Vợ tôi luôn nhắc, bố mẹ cô ấy không có con trai nên chỉ mong nhờ vào con rể. Nhà có công to việc lớn hay bố mẹ ốm đau, các con rể đều phải cáng đáng. Bao lâu nay, tôi chưa từng quên lo lắng cho bố mẹ vợ.
Mấy năm nay sức khỏe bố mẹ yếu hơn, tôi thường động viên vợ về quê nhiều để thăm ông bà. Lần nào tôi cũng đưa các cháu về để ông bà vui vẻ. Mấy lần bố vợ ốm đi viện, bố gọi các anh chị ở gần hơn nhưng họ đều bận. Tôi là người cuối cùng được ông gọi, nhưng tôi luôn cố gắng gác lại mọi công việc để chăm sóc bố.
Vài năm trở lại đây, Tết ở nhà bố mẹ vợ càng vắng vẻ hơn. Ngày Tết, mỗi người về một hôm vì không thể hẹn nhau như trước. Ai cũng có việc riêng, người thì bận làm, người bận đi chúc Tết. Nhưng vợ chồng tôi, năm nào cũng vậy, cứ 27 Tết là về quê ngoại, sắm sửa cho ông bà.
Và đặc biệt năm nào tôi cũng sắm cho bố một cây quất Tết. Năm đầu bố chê cây quất xấu, quả không nhiều. Tôi chỉ cười trừ. Năm thứ hai, bố tỏ vẻ thích cây đào của anh rể lớn hơn. Dù bố không ưng món quà của tôi cho lắm, nhưng tôi cho việc mua quất Tết cho bố mẹ vợ là trách nhiệm của mình.
Đến năm thứ 5, tôi đã rút được kinh nghiệm và mua được cây hợp ý bố hơn. Nhìn cách bố cười mỉm khi ngắm cây quất Tết, tôi có cảm giác ông khá hài lòng.
Năm nay, tôi chưa thể về quê vợ đúng 27 Tết. Chưa thấy tôi về, bố gọi điện lên bảo: “27 Tết rồi chưa về sắm quất cho bố hả con? Về nhanh không bố tự đi sắm đấy nhé. Bố quen ngắm quất Tết con mua rồi, giờ không có, bố thấy thiếu thiếu. Quất của con ấm cửa ấm nhà”.
Câu nói nửa đùa nửa thật của bố vợ khiến tôi xúc động, cảm giác mình thực sự được ông ghi nhận. Có lẽ trong lòng ông đã có vị trí cho chàng rể út nghèo này từ lâu, chỉ là ông không muốn nói ra.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Nguyễn Mạnh/Vietnamnet