Nên ăn 6 bữa nhỏ trong ngày ngay cả khi không cần giảm cân?

Google News

Chia nhỏ bữa ăn giúp bạn ổn định lượng đường trong máu, kiểm soát cân nặng.

Khi muốn giảm cân, nhiều người thường chọn biện pháp nhịn ăn, điều này đẩy chúng ta vào cuộc chiến với cái dạ dày trống rỗng và cảm giác đói. Đối với những người bị béo phì hoặc tiểu đường, đây là một thử thách không hề dễ chịu.
Tuy nhiên, việc nhịn ăn không phải là điều tốt cho cơ thể, thay vào đó chế độ dinh dưỡng và chia nhỏ bữa ăn hợp lý là chìa khóa để giải quyết được vấn đề.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, các chuyên gia thẩm mỹ thường khuyên bạn không nên ăn no trong một bữa mà nên chia nhỏ bữa ăn. Điều này gần như trở thành một quy tắc cho những người ăn kiêng.
Nen an 6 bua nho trong ngay ngay ca khi khong can giam can?
 
Ăn 6 bữa một ngày thay vì ba bữa chính như thường thấy có thể giúp bạn ổn định lượng đường trong máu, đạt được mục tiêu về cân nặng và giảm cảm giác đói bụng.
Không chỉ tốt cho giảm cân, việc chia nhỏ bữa ăn cũng rất tốt cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp Athens (Hy Lạp) đã đánh giá 47 người béo phì đang trong giai đoạn tiền tiểu đường hoặc đã mắc tiểu đường type 2 và phát hiện ra rằng những người ăn ít và chia làm nhiều bữa trong ngày thường kiểm soát đường huyết tốt hơn nhiều so với những người chỉ ăn ba bữa chính mỗi ngày.
Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu thực hiện chế độ ăn đặc biệt trong vòng 6 tháng. Cụ thể, một nửa trong số đó được chia khẩu phần ăn thành 3 lần, tương đương với ba bữa một ngày, phần còn lại được chia thành sáu bữa ăn một ngày. Mọi người được cung cấp khẩu phần ăn với lượng calo như nhau, được tính toán kỹ lưỡng để duy trì cân nặng ở mức ổn định và chỉ khác nhau ở số bữa ăn trong ngày.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn sáu lần một ngày đã cho thấy sự suy giảm lượng glycated haemoglobin và glucose trong máu. Đây là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đã được kiểm soát.
Nen an 6 bua nho trong ngay ngay ca khi khong can giam can?-Hinh-2
 
Tiến sĩ Emilia Papakonstantinou, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Việc chia thành sáu bữa ăn một ngày giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm cảm giác đói ở những người béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Từ kết quả của nghiên cứu, việc chia nhỏ số bữa ăn có thể là một công cụ hữu ích hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân béo phì và tiểu đường, đặc biệt là những người gặp khó khăn trong việc ăn kiêng”.
Theo thống kê năm 2015, trên thế giới có khoảng 415 triệu người mắc bệnh tiểu đường và dự đoán đến năm 2040, con số này sẽ tăng lên khoảng 642 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số trong độ tuổi trưởng thành. Tỷ lệ mắc biến chứng của bệnh tiểu đường đang ở mức rất cao, cứ 2 người mắc thì có một người không được chẩn đoán và chỉ phát hiện ra bệnh khi có biến chứng.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ gia tăng số lượng bệnh nhân mắc tiểu đường cao nhất thế giới, đặc biệt tại các thành phố lớn, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Hiện tại, ước tính cứ 20 người Việt Nam trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường.
Tiểu đường đang là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế xã hội do hậu quả nặng nề của nó mang lại. Tuy nhiên, tiểu đường là bệnh có liên quan chặt chẽ đến lối sống và béo phì. Vì vậy, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua việc thay đổi lối sống bao gồm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động, hạn chế sử dụng thức ăn giàu chất béo, rượu bia, hút thuốc lá, khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm.

Theo San San/Zing