Khi lựa chọn phương pháp sinh, bác sĩ luôn ưu tiên cho sản phụ sinh thường vì những lợi ích to lớn cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu thuộc những trường hợp dưới đây thì sẽ bắt buộc phải đẻ mổ.
1. Xương chậu nhỏ hoặc biến dạng
Một số người mẹ có vùng xương chậu biến dạng do có bệnh bại liệt, tiền sử bị gãy xương chậu hoặc vóc dáng cơ thể vốn lùn, bẩm sinh xương chậu nhỏ thì sẽ bắt buộc phải mổ lấy thai để đề phòng tình huống bé bị kẹt lại tại xương chậu của mẹ khi chui ra.
|
Trước khi sinh, các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và thể chất để xem mẹ có đủ điều kiện sinh thường không. (Ảnh minh họa) |
2. Phụ nữ trên 35 tuổi
Phụ nữ càng lớn tuổi thì cơ tử cung sẽ càng giãn ra, khả năng co bóp kém đi nên sẽ không đủ lực đẩy em bé ra ngoài khi sinh thường. Ngoài ra, những người mang thai, đặc biệt là mang thai lần đầu khi đã ngoài 35 tuổi dễ bị các biến chứng khi sinh thường hơn nên phương pháp sinh mổ là phương pháp an toàn hơn.
3. Mẹ bị bệnh cao huyết áp, bệnh tim...
Đối với mẹ bầu bị các căn bệnh như bệnh tim bẩm sinh, cao huyết áp, tiền sản giật hay hội chứng phù do thận, trước khi sinh, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng sinh thường của mẹ. Nếu tỉ lệ nguy hiểm khi sinh thường lớn thì phương án đẻ mổ sẽ được áp dụng.
4. Thai nhi có vị trí bất thường
Thông thường vị trí của thai nhi những tuần cuối thai kỳ là đầu quay xuống dưới, mặt úp vào phía trong bụng mẹ, tuy nhiên nhiều bé đến tận ngày sinh vẫn không chịu quay đầu, thậm chí là ngôi thai ngang gây khó khăn cho quá trình sinh thường. Những trường hợp bất thường ngôi thai thường phải đẻ mổ.
5. Nhau thai có vấn đề
Những mẹ bầu bị nhau tiền đạo, tách nhau thai, suy nhau thai sẽ lập tức phải chấm dứt thai kỳ để mổ cấp cứu thai nhi. Nhau thai là nguồn cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bé. Nhau thai xảy ra vấn đề dễ dẫn đến tình huống suy thai hay thậm chí là thai chết lưu.
6. Tử cung có vết mổ cũ
Những mẹ bầu đã từng sinh mổ hay thực hiện phẫu thuật cần rạch tử cung thì hầu hết đều phải sinh mổ. Lý do là khi sinh thường, mẹ bầu có khả năng sẽ bị vỡ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
7. Thai nhi quá lớn
Thai nhi quá mức cân nặng chuẩn sẽ rất khó để đi qua khung xương chậu của mẹ khi chào đời, đặc biệt với những em bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, đối với những trường hợp thai nhi có cân nặng lớn hơn 4kg, bác sĩ thường sẽ chỉ định sinh mổ.
8. Sinh non khẩn cấp
Mẹ có dấu hiệu sinh non hoặc có vấn đề gì trong thai kỳ cần được đưa thai nhi ra gấp khỏi cơ thể mẹ cũng phải chọn phương pháp đẻ mổ. Trẻ dưới 36 tuần tuổi sẽ khó có thể chịu được áp lực từ việc sinh nở tự nhiên.
Theo Minh An/Khám Phá