Về mặt thực vật, người ta cho rằng, linh chi chỉ là một loại nấm hóa gỗ có cuống dài hoặc ngắn. Các viện nghiên cứu dược liệu của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã khẳng định, trong nấm linh chi có các axit amin, protein, saponin, đường khử, đường kép, dầu béo.
Nghiên cứu về linh chi hoang dại, trong 6 loại nấm đều có hàm lượng germanium cao hơn hàm lượng germanium có trong nhân sâm từ 5 - 8 lần. Đây là chất giúp khí huyết lưu thông, các tế bào hấp thụ oxy tốt hơn. Lượng polysacarit cao làm tăng cường sự miễn dịch của cơ thể, làm mạnh gan, cô lập và diệt các tế bào ung thư, axit ganoderic, có tác dụng chống dị ứng và chống viêm.
Nấm thanh chi (màu xanh) tính bình, không độc, chủ trị sáng mắt, bổ can khí, an thần, tăng trí nhớ, chữa viêm gan cấp và mạn tính.
Nấm hồng chi (xích chi) màu đỏ, vị đắng, tính bình, không độc, giúp tăng trí nhớ, chữa bệnh thuộc huyết và thần kinh tâm.
Hoàng chi (kim chi) màu vàng, vị ngọt, tính bình không độc, làm mạnh hệ thống miễn dịch, chữa các bệnh về tỳ hư.
Hắc chi (huyền chi) màu đen, vị mặn, tính bình không độc, chủ trị các bệnh về thận, tiết niệu như bí tiểu tiện, sỏi thận, bệnh ở cơ quan tiết niệu.
Bạch chi màu trắng, vị cay, tính bình, không độc, chủ trì các bệnh hen, ích phế khí và một số bệnh về phổi.
Tử chi màu tím, vị ngọt, tính ôn, không độc, chủ trị đau khớp xương, làm gân cốt khỏe mạnh. Nếu dùng cả 6 loại nấm linh chi trên lâu ngày giúp cho nhẹ người, tăng tuổi thọ. Liều dùng 2 - 5g/ngày, bằng cách tán bột, đổ 200 - 250ml nước rồi đun sôi kỹ từ 15 - 30 phút. Nước sắc mùi thơm, vị hơi đắng, có thể cho thêm đường hay mật ong vào cho dễ uống. Ngoài ra, có thể dùng linh chi khô để nấu canh, súp hoặc bỏ vào một lượng như uống để hầm thịt gà...
Đại tá, BS Hoàng Văn Sỹ