Tưởng nam giới không phải ung thư vú
Ông Nguyễn Văn Tính (ở Hải Dương) phát hiện mình bị ung thư vú vào năm 2015. Biểu hiện ban đầu là ở ngay dưới đầu núm vú có khối hạch cứng nhỏ bằng ngón tay cái, do sờ không thấy đau, ông nghĩ không sao nên chủ quan không đi khám. Chỉ khi thấy cái u phát triển ngày càng lớn, núm vú thụt vào trong, ông Tính mới đi kiểm tra và được xác định bị ung thư vú.
“Lúc bác sĩ kết luận tôi bị ung thư vú, tôi lại nghĩ bác sĩ ghi nhầm vì đàn ông ai lại mắc bệnh này bao giờ? Tôi đã không tin vào kết quả đó, rồi đi kiểm tra ở nhiều bệnh viện khác nhau nhưng mọi nơi đều chung một kết luận tôi bị ung thư vú và bệnh đã sang giai đoạn 2”, ông Tính cho biết.
Không chỉ ông Tính thấy hoài nghi khi được xác định mắc ung thư vú mà rất nhiều đàn ông khi được hỏi về căn bệnh này đều tỏ ra khá bất ngờ. Phần lớn họ đều nghĩ rằng, chỉ nữ giới mới bị ung thư vú còn nam giới thì không.
Trao đổi với Ngày Nay, BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Điều trị A (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, ung thư vú là hậu quả của sự rối loạn tái sản xuất tế bào ống hoặc tế bào nang tuyến vú với đặc điểm là tăng sinh không kiểm soát. Ung thư vú ở nam là bệnh hiếm gặp, chiếm khoảng 0,5-1% tất cả các ung thư vú được chẩn đoán nhưng có độ ác tính rất cao.
Theo ước tính, cứ khoảng 100 người phụ nữ bị ung thư vú thì sẽ có 1 người đàn ông bị mắc bệnh này. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ nam giới mắc và tử vong vì căn bệnh này ngày một cao. Trong 25 năm qua, tỷ lệ ung thư vú nam giới trên thế giới tăng 26%. Còn ở Việt Nam, theo công bố trong một nghiên cứu về ung thư vú của Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, ung thư vú ở nam giới là ung thư hiếm gặp, nhưng cũng đã xuất hiện rải rác hàng năm với 27 ca đến bệnh viện điều trị, trong tổng số ca phát hiện có hơn 80% nam ung thư vú phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn II, III.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học xác định nguyên nhân cụ thể dẫn đến ung thư vú ở nam giới, tuy nhiên một số bài báo khoa học cho biết rằng nghiên cứu trên các đối tượng có các hành vi nguy cơ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, béo phì, đái tháo đường... sẽ có nguy cơ cao hơn.
BS Tuấn Anh cho biết, hầu hết các trường hợp ung thư vú nam khó xác định được yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy, nam giới tuổi càng cao và có tiền sử gia đình mắc ung thư vú (đặc biệt mang đột biến gen BRCA) thì càng có nguy cơ mắc ung thư vú. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng tỷ lệ nội tiết tố Estrogen và Androgen do dùng thuốc nội tiết (Estrogen, Testosterone... ), béo phì, rối loạn chức năng gan, sử dụng cần sa... hay các bệnh lý tại tinh hoàn như chấn thương, viêm tinh hoàn, tinh hoàn ẩn cũng làm tăng khả năng mắc ung thư vú ở nam. Cụ thể:
Yếu tố di truyền
Cũng như ung thư vú ở phụ nữ, tiền sử gia đình mắc ung thư vú ở người thân (cha, mẹ, anh chị em ruột) có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới. Con số này khoảng 15-20% nam giới bị ung thư vú có tiền sử gia đình mắc bệnh trong khi chỉ 7% dân số nam giới nói chung.
Hai gen liên quan đến ung thư vú, ung thư buồng trứng là BRCA1 và BRCA2, được di truyền trội là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp ung thư vú di truyền.
Nguy cơ mắc ung thư vú ở nam giới dường như cao hơn khi có đột biến BRCA2 hơn là đột biến BRCA1. Những người đàn ông thừa hưởng đột biến gen BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú ước tính 6% suốt đời; điều này thể hiện nguy cơ cao gấp 100 lần so với dân số nam giới nói chung.
Tiền sử gia đình
Tỷ lệ đột biến BRCA thay đổi tùy theo chủng tộc và tiền sử gia đình. Trong số những người đàn ông bị ung thư vú, có tới 14 % có đột biến BRCA2; Các đột biến BRCA1 rất hiếm khi xảy ra, ngoại trừ ở các cá nhân thuộc dân tộc Do Thái Ashkenazi. Một nghiên cứu cho thấy 4,5% đàn ông Do Thái Ashkenazi bị ung thư vú có đột biến BRCA1. Vì vậy, tất cả nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú nên được tư vấn di truyền và xét nghiệm BRCA.
Các bệnh lý tinh hoàn
Một số bệnh lý của tinh hoàn cũng được cho là có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới bao gồm viêm tinh hoàn và chấn thương tinh hoàn. Các bệnh lý này có thể dẫn đến việc sản xuất Androgen thấp hơn. Khi đó, tỷ lệ Estrogen sẽ cao hơn bình thường so với Androgen.
Các yếu tố khác
Ngoài gen BRCA còn có một số gen khác cũng liên quan đến ung thư vú ở nam giới như đột biến gen ức chế khối u PTEN (hội chứng Cowden), TP53 (hội chứng Li-Fraumeni), PALB2, các gen sửa chữa (hội chứng Lynch), nhất là hội chứng Klinefelter.
Hội chứng Klinefelter là một căn bệnh hiếm gặp khi có thừa một nhiễm sắc thể X. Những người đàn ông này có nguy cơ ung thư vú cao gấp 50 lần so với những người đàn ông mang kiểu gene bình thường. Hội chứng Klinefelter gây teo tinh hoàn, vú to, tăng nồng độ các chất hướng sinh dục huyết thanh và giảm nồng độ Testosteron huyết thanh, từ đó dẫn đến tăng tỷ lệ Estrogen/Testosteron.
Bên cạnh đó, việc uống nhiều rượu gây ra các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan... sẽ làm thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể, khiến cho lượng kích thích tố nam Androgen bị giảm xuống và làm tăng lượng kích thích tố nữ Estrogen cao hơn.
“Triệu chứng của ung thư vú ở nam giới thường gặp nhất là phát hiện khối u không đau dưới quầng vú và thường liên quan đến núm vú. Ngoài ra có thể biến đổi da trên khối u (co kéo, loét ... ), ở giai đoạn muộn hơn có thể sờ thấy hạch nách”, BS Tuấn Anh chia sẻ.
Lứa tuổi ung thư vú ở nam trễ hơn nữ giới khoảng 5-10 tuổi. Hầu hết nam giới có tâm lý chủ quan rằng chỉ nữ mới bị ung thư vú nên không khám tầm soát, khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn. Khi đó, tế bào ung thư đã phát triển và xâm lấn vào phổi gan, xương… nên quá trình điều trị rất khó khăn, kéo dài.
Theo các bác sĩ, bệnh ung thư vú ở nam giới sẽ trở nên nguy hiểm nếu chẩn đoán ở giai đoạn muộn và ngược lại, nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời cùng với các đặc điểm sinh học thuận lợi thì bệnh có tiên lượng tốt.
“Vùng ngực của nam giới rất nhỏ so với nữ, cách phát hiện dễ nhất là tự khám vùng ngực và nếu phát hiện có u, cục thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám ngay”, BS Tuấn Anh chia sẻ.
Ung thư vú ở nam giới cũng giống ở nữ giới là kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, xem đã có hạch, có di căn hay chưa, nếu giai đoạn sớm thì hiệu quả điều trị cao và khả năng khỏi bệnh lớn hơn nhiều. Do vậy, khi phát hiện ung thư vú, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa để điều trị, theo dõi và được các bác sĩ tư vấn đầy đủ về bệnh tật.
Ở giai đoạn sớm thông thường bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú và vét hạch nách. Trong một số trường hợp có yếu tố nguy cơ cao về mặt giai đoạn, đặc điểm sinh học khối u, bệnh nhân sẽ được điều trị bổ sung bằng xạ trị, điều trị hệ thống (hoá trị, nội tiết, kháng Her 2).
Ở giai đoạn lan rộng tại chỗ nhưng chưa di căn xa, bệnh nhân sẽ được hoá trị trước để giảm tình trạng phát triển của khối u, sau đó mới phẫu thuật. Khi bệnh ở giai đoạn di căn xa thì bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng hoá trị kết hợp nội tiết hoặc điều trị đích nếu khối u bộc lộ quá mức thụ thể nội tiết hay thụ thể Her 2.
Theo BS Tuấn Anh, điều trị ung thư vú ở nam khó khăn hơn, trong khi đó đối với nữ, một số trường hợp có thể điều trị bảo tồn hoặc không cần xạ trị.
Đừng chủ quan bỏ qua khi thấy xuất hiện những khối u nhỏ. Ban đầu, khối u có thể có kích thước nhỏ và không đau, nhưng về sau, to dần và đau… Những trường hợp như vậy, người bệnh cần phải đi kiểm tra ngay ở cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.
Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của mình, nam giới cần tự theo dõi cơ thể, thăm khám sức khỏe định kì và đi khám nếu nhận thấy xuất hiện khối u. “Đừng chủ quan bỏ qua khi thấy xuất hiện những khối u nhỏ. Ban đầu, khối u có thể có kích thước nhỏ và không đau, nhưng về sau, to dần và đau… Những trường hợp như vậy, người bệnh cần phải đi kiểm tra ngay ở cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám”, BS Tuấn Anh khuyến cáo.
Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh, nam giới cần vệ sinh sạch sẽ vùng ngực; cần có một chế độ ăn uống cân bằng, giảm cân nếu bạn đang thừa cân và hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá có thể giúp bạn giảm những nguy cơ mắc bệnh; cần một lối sống khoa học, lành mạnh, tăng cường vận động kèm theo khám sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, ung thư vú cũng cần tầm soát thường xuyên bởi việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Theo BS Tuấn Anh, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh. Từ giai đoạn 1 chuyển sang giai đoạn 2, bệnh có thể chữa ổn định tới hơn 90%, đến giai đoạn 3, tỷ lệ này là 60%. Thế nhưng, đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Chính vì vậy, việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú đóng vai trò rất quan trọng.