Quả na có chứa nhiều vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin và khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Trong 100g thịt na có: 64kcal; nước: 82,5g; protein 1,6g; gluxit: 14,5g; xenluloza: 0,8g; canxi: 35mg; phốt pho: 45mg; vitamin C: 36mg. Thêm nữa, ăn na cũng giúp bổ sung nhiều vitamin nhóm B, tốt cho sức khỏe.
Những lưu ý khi ăn na
1. Cảnh giác với giòi
Na rất dễ có giòi, vì vậy nếu na chín kỹ, vỏ có nhiều vảy trắng và vết nứt, ngửi có mùi lạ thì bạn không nên sử dụng. Những quả na như vậy có thể đã bị côn trùng bò vào đẻ trứng sinh giòi, ăn vào có thể bị ngộ độc, đau bụng sau khi ăn.
2. Không cắn vỡ hạt na
Hạt na mặc dù có thể dùng làm thuốc nhưng lại có độc tố cao. Khi ăn na nếu cắn vỡ hạt thì độc tố trong nhân hạt na rất dễ phát huy tác dụng, gây hại cho cơ thể.
3. Không ăn na còn ương
Những quả na chưa chín kỹ hoặc chín nẫu đều không tốt. Na còn ương có chứa chất Tannin, khi chất này kết hợp với thức ăn hàng ngày sẽ tạo ra những hợp chất khiến cho hệ tiêu hóa bị ứ đọng và khiến bạn bị táo bón, khó tiêu.
4 nhóm người nên kiêng ăn na để bảo vệ sức khỏe
1. Người thừa cân béo phì
Vì na có chứa nhiều đường, cung cấp năng lượng nên người thừa cân béo phì không nên ăn nhiều. Ăn 1 quả na khoảng 200 – 250g sẽ tương đương với ăn 1 bát cơm. Vậy nên nếu bạn ăn nhiều loại quả này thì việc tăng cân là điều dễ hiểu.
2. Người bị mụn nhọt
Với những người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt thì không nên ăn nhiều na vì hàm lượng đường cao trong quả sẽ làm tăng lượng đường trong máu, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu – nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.
3. Người suy thận
Na là thực phẩm giàu kali nên không tốt cho người mắc bệnh suy thận đang cần ăn kiêng.
4. Người tiểu đường
Người mắc tiểu đường hoặc phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường cũng không nên ăn nhiều na bởi trong na có hàm lượng đường tương đối cao.
Theo Trần Thu Thủy/ Khoevadep