BS Nguyễn Hữu Nghị - Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Đà Nẵng, nguyên trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng - cho biết trên báo Tuổi Trẻ, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ là bà N.T.T. (55 tuổi, ở Hải Châu, Đà Nẵng) với một bên mắt vĩnh viễn chỉ nhìn thấy trong cự ly 0,5m.
Theo BS Nghị, qua tìm hiểu, bà N.T.T. cho biết, gần 2 năm nay một bên mắt của bà hay bị ngứa, chảy nước mắt. Mỗi lần như vậy bà T. thường đến tiệm thuốc gần nhà mua thuốc để nhỏ.
|
Không nên lạm dụng thuốc nhỏ mắt nếu không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa |
Lần đầu tiên, nhân viên bán thuốc tư vấn nên mua lọ thuốc nhỏ mắt Tobradex và sau vài ngày bà T. thấy khỏi. Nhưng khoảng chục ngày sau bệnh tái phát, lần này bà T. đến tiệm thuốc và mua đúng lọ thuốc đó.
Nhân viên tiệm thuốc bán và không có cảnh báo nào. Nhiều lần như vậy, cứ tái phát ngứa mắt là bà T. lại đến tiệm thuốc mua lọ thuốc Tobradex.
Mắt của bà T. cứ ngày một mờ nên bà đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. "Khi bà T. đến khám với lý do một bên mắt mờ hẳn, thị lực chỉ còn 0,5m. Nghĩa là bịt mắt kia, đưa ngón tay ra cho bà T. đếm, bà chỉ đếm được trong cự ly nửa mét thôi, còn ra xa hơn thì không thấy, điều này xem như đã mù" - BS Nghị cho hay.
BS Nghị cho biết thêm, trường hợp của bệnh nhân này qua thăm khám, chẩn đoán là glaucoma (cườm nước), điều này đồng nghĩa một bên mắt vĩnh viễn chỉ nhìn thấy trong cự ly 0,5m, nếu không muốn nói là sẽ tụt thêm.
Theo BS Nghị, Tobradex là thuốc nhỏ mắt phối hợp giữa tobramycin và dexamethasone, tức là giữa kháng sinh và corticoide, rất hiệu quả trong điều trị các viêm nhiễm ở mắt, nhất là đau mắt đỏ.
Người sử dụng thuốc này chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên trong cộng đồng, thuốc được nhiều người tự ý mua về nhỏ mắt và hiệu thuốc cứ thế bán, không đưa ra khuyến cáo nào. Điều này rất nguy hiểm bởi đó chính là con dao hai lưỡi.
Còn dexamethasone là loại corticoide nếu nhỏ thường xuyên, kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp (cườm nước) làm tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực, mà một khi đã giảm thị lực thì không bao giờ hồi phục.
BS Nghị chia sẻ thời gian qua đã gặp rất nhiều trường hợp người dân tự mua thuốc về sử dụng, để lại hậu quả nặng nề. Một số người bị dị vật văng vào mắt, gây trầy giác mạc (tròng đen), tự mua thuốc về dùng mà có chất kháng viêm corticoide thì chỉ sau vài ngày sẽ loét giác mạc, chữa rất lâu lành, thậm chí phải bỏ mắt...
Liên quan tới tình trạng người dân thường tự ý mua thuốc không theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ, trước đó báo Lao Động dẫn thông tin từ các bác sĩ tại BV Mắt TP.HCM cho biết, thực tế chỉ cần mắt có vấn đề, người mua có thể ra hiệu thuốc và được giới thiệu hàng chục loại thuốc nhỏ mắt như: Dung dịch, huyền phù, mỡ hoặc cream... có giá từ 2.000 đồng – 100.000 đồng.
Cũng theo các bác sĩ, thuốc nhỏ mắt có nhiều loại như: Nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn thường dùng gồm kháng sinh chloramphenicol, neomycin, tetracyclin...; nhóm thuốc chống dị ứng: Diphenhydramin, chlorpheniramin, naphazolin...; nhóm thuốc corticoid (chống viêm và dị ứng): Dexamethason, hydrocortison, fluorometholon...; nhóm thuốc sát khuẩn: Naborat, boric acid, glycerin, thiomertal...; nhóm thuốc vitamin: A, C, B1, B2, B6, E...
Trong các thuốc nhỏ mắt kể trên, đáng chú ý nhất là 3 loại: Kháng sinh, các corticoid và các thuốc kháng histamin chống dị ứng. Thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vốn là thuốc điều trị rất hiệu quả. Nhưng việc sử dụng tùy tiện các loại thuốc này trong một thời gian dài, trước hết sẽ gây kháng thuốc, sau đó là đục thủy tinh thể, gây bệnh cườm nước... Nếu mắt bình thường, không việc gì thì không nên dùng thuốc nhỏ mắt (bất cứ loại thuốc nào).
Thông thường các loại thuốc này khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ. Chính sự dễ mua, dùng dễ chịu nên người sử dụng đã lạm dụng loại hóa chất này, khiến mắt bị mờ do glôcôm rất lớn.
Glôcôm - dân gian hay gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước - là bệnh của dây thần kinh thị giác do áp lực trong mắt tăng cao, nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể gây mù. Tại Việt Nam, đây là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ hai. Nếu có vấn đề bất thường về mắt như sưng, đỏ, mờ... thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám ngay.
Theo An Dương/VietQ