Một trẻ tử vong, một nguy kịch: Cách duy nhất phòng bạch hầu là gì?

Google News

Bệnh bạch hầu đang xảy ra tại Tây Nguyên, Đắk Nông đã ghi nhận 1 bệnh nhi 9 tuổi tử vong do bạch hầu biến chứng và hiện có 1 bệnh nhi 13 tuổi vẫn đang bị biến chứng nặng của bạch hầu chuyển lên TP.HCM điều trị tiếp tục.
 

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhi Giàng A Ph. (13 tuổi, dân tộc H’mông, ngụ Đắk Nông) bị biến chứng nặng, đang được chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực trẻ em.

Bệnh nhi vào viện vì sốt, ho, đau họng ngày thứ 4 và tiền sử chưa chích ngừa bạch hầu. Kết quả xét nghiệm PCR của em Ph. dương tính bạch hầu type sinh độc tố, tăng troponine I, tràn dịch màng tim trên siêu âm, nhịp nhanh xoang. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp, được cho dùng kháng sinh tĩnh mạch, mở khí quản, thở oxy.

TS BS. Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp tính và nguy hiểm với đặc trưng là có giả mạc (màng giả) ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản. Bệnh cũng có thể xuất hiện trên da hoặc các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc niêm mạc của đường tiết niệu-sinh dục. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và gây thành dịch. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải những dòng vi khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae) có khả năng sản sinh ngoại độc tố (độc tố bạch hầu).

 Ảnh minh hoạ.
TS Tuấn cho biết các triệu chứng bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện trong vòng 2 - 5 ngày sau khi nhiễm phải vi khuẩn. Ba triệu chứng điển hình:
Thứ nhất, hình thành các giả mạc màu trắng ngà hoặc xám ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản; đặc điểm của giả mạc là bám chặt vào các mô viêm xung quanh, nếu bóc ra sẽ chảy máu.
Thứ hai, các triệu chứng phổ biến khác: Sốt, ớn lạnh, sưng cổ, ho, viêm họng, da xanh tái, chảy nước dãi, cảm giác lo lắng.
Thứ ba, khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện triệu chứng hó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp.
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh bạch hầu đó là bệnh nhân bị sốc, nhiễm độc thần kinh, tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác, viêm cơ tim… bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nếu biến chứng sẽ rất nặng, tuy nhiên bệnh này đã có vắc xin phòng bệnh.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh cách phòng bệnh duy nhất hiện nay là tiêm vắc xin. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu thường được kết hợp với các vắc-xin phòng bệnh khác (ví dụ: uốn ván, ho gà… trong Chương trình tiêm chủng mở rộng) trong cùng 1 mũi tiêm. Lịch tiêm chủng cũng có thể có chút thay đổi đối với các đối tượng trẻ nhỏ, trẻ lớn, người lớn, phụ nữ có thai…
Thông thường, trẻ nhỏ cần tiêm 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng, 1 mũi nhắc lại cách 1 năm, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách 7-10 năm. Đối với trẻ lớn và người lớn, cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, mũi nhắc lại cách 9-12 tháng, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách khoảng 10 năm.
Khi tiêm chủng cần lưu ý một số điều sau: Nếu bị sốt, cần đợi thân nhiệt hạ về mức bình thường rồi mới tiêm. Đối với người lớn có bệnh nền, cần đợi bệnh thuyên giảm rồi mới tiêm và có sự theo dõi của bác sĩ. Đối với phụ nữ có thai: tiêm phòng bạch hầu trong 3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần 27 đến trước tuần 35), giúp bảo vệ em bé khi ra đời.
Hiện nay đã có vài địa phương xuất hiện bệnh: nên hạn chế đến nơi có tụ tập đông người nếu không cần thiết. Nên cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có thể thì sau khoảng 5 năm tiến hành xét nghiệm phản ứng Schick để đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu ở trẻ em.
Theo Khánh Chi/Infonet