Dân tộc Kinh
Mâm cỗ ngày Tết truyền thống của người Kinh không thể thiếu được các món ngon quen thuộc như: bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt dông, nem, giò, thịt khi, củ kiệu, xôi, gà luộc, canh măng,… Tuy mỗi vùng miền có sự khác nhau về hương vị nhưng ngày bữa cơm ngày Tết không thể thiếu đi được những món ăn này.
Dân tộc Mông
Ba món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông đó chính là thịt, rượu và bánh ngô. Vào những ngày cúng đầu năm, trong nhà người Mông luôn có một mâm bánh dầy được làm ra từ những hạt gạo nếp nương ngon nhất.
Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Trước đây, người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì có gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong bữa cỗ Tết của họ.
Dân tộc Thái
Người Thái thường sống ở các vùng ven sông, ven suối nên không những giỏi về chài lưới, đánh cá trên sông suối mà ngày càng giỏi về nuôi thả cả trên đồng ruộng, ao hồ. Vì vậy, cá là món ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Thái, nhất là trong những ngày tết Nguyên đán, cá là món ăn chính không thể thiếu được. Người ta chọn con cá to nhất để riêng.
Đó là con cá đầu mâm cỗ nên được nướng nguyên con. Số cá còn lại được chế biến theo cách riêng của vùng này như: cá đồ, cá sấy, cá nướng, cá sả, cá độn cơm, cá mọc, cá gói vùi tro bếp, lạp cá “pa lạp”… Đặc biệt món pa lạp là món ăn thật độc đáo thường làm để thết đãi khách quý mỗi khi tết đến xuân về.
Dân tộc Mường
Giống như người Kinh, bánh chưng là món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong cái Tết của người Mường. Trước Tết từ hai đến ba ngày, mọi người trong bản, trong họ tộc hẹn lịch nhau, tập trung gói bánh hết từ nhà này sang nhà khác. Thời gian này thực sự là ngày hội, tuy bận rộn nhưng rất vui của trai, gái trong bản mường.
Dân Tộc Nùng
Người Nùng sống xen kẽ với người Tày, ngoài ra họ cũng rải rác ở một số tỉnh khác, như Bắc Giang... Tuy không làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên trời ngày 23 tháng Chạp như người Kinh nhưng nhưng không vì thế người Nùng sửa soạn cho ngày tết kém phần rôm rả. Ngoài bánh chưng được coi là lễ vật phần không thể thiếu để tiếp khách, họ còn có bánh cao (còn gọi là bánh khảo). Đa phần các nhà tự làm lấy, qua đó người khách có thể đánh giá được tài nghệ của gia chủ. Ngoài ra còn có bánh tro, bánh được làm cầu kỳ, trong suốt như mật ong, khi ăn chấm với mật (mật được đun từ đường phèn). Đây là món ăn được trẻ em đặc biệt ưa thích.
Dân tộc Dao
Tết đến, mỗi gia đình người Dao đều có vại thịt lợn (thịt heo) chua (gọi là ò sui). Món ăn này rất bình dị, dân dã, nhưng không thể thiếu trong những ngày tết. Nguyên liệu chế biến sẵn trong nhà, gồm thịt lợn, muối tinh, và cơm tẻ nguội. Món này ăn kèm với lá lốt và lá chấm chanh ớt mới cảm nhận được hết sự đậm đà của thịt ướp muối.
Tuy ẩm thực đặc trưng khác nhau nhưng ngày Tết vẫn là một dịp để cùng nhau quây quần thưởng thức bữa cơm gia đình ấm cúng.
Theo Thu Hiền/Vietnamnet