BBC dẫn lời bác sĩ Emma Stephenson cho biết trong quá trình làm việc đã gặp nhiều bệnh nhân là nam giới từ 18-25 tuổi gặp vấn đề về sức khỏe, do đi giày không tất hoặc không đúng cách.
Theo bác sĩ Emma Stephenson, mỗi ngày, bàn chân thoát ra 200 ml mồ hôi. Nếu bạn không đi tất làm từ sợi tổng hợp và thoáng khí có thể dẫn đến nhiễm nấm ở bàn chân. Ngoài ra, mồ hôi thoát ra sẽ thấm vào giày do không có tất làm tăng độ ẩm bên trong.
"Nhiều đôi giày có phần trên là da nhưng bên trong có lớp lót làm bằng chất liệu không thông thoáng. Nếu lớp lót này không hút được mồ hôi thì độ ẩm, nhiệt độ tăng lên, vi khuẩn sẽ nằm lại trong giày", bác sĩ nhấn mạnh.
Mặt khác, bác sĩ Emma còn cảnh báo đi giày dép không vừa chân hoặc không có tất có thể khiến cho da bị phồng rộp dẫn đến đau nhức, gây hiện tượng móng chọc thịt (ingrown toenails), vết chai ở chân.
Hiện nay, xu hướng thiết kế giày nam giới là dạng giày nhọn và giày slip-on (giày không có dây). Nhiều người dùng loại giày này thường không đi tất.
"Giày mũi nhọn không phù hợp hình dáng bàn chân. Người đi loại giày này thường bị ma sát ở phần xương ngón chân và gót", bác sĩ Emma chỉ rõ.
Một số lưu ý để tránh nhiễm nấm ở bàn chân, khi đi giày không có tất:
- Dùng xịt khử mùi để xịt lên bàn chân trước khi đi giày.
- Không đi một đôi giày nhiều ngày.
- Sau khi đi, bạn nên giặt và phơi khô trong 48 tiếng nhằm ngăn vi khuẩn phát triển.
- Dùng túi trà khô đặt bên trong để hấp thụ hết mồ hôi.
- Rửa và lau khô chân sau khi đi giày không có tất.
- Nếu cảm thấy đau sau khi đi giày, bạn không nên tiếp tục sử dụng.
Theo Quang Minh/Zing