Nói thật với các chị, em chưa bao giờ sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu đâu. Ngày xưa lúc em chuẩn bị lấy chồng, mẹ cứ băn khoăn mãi. Bà cứ than thở: "Ở nhà ăn uống mẹ còn phải chăm chút từng tí thế này. Mai kia đi làm dâu rồi sao hả con? Chỉ sợ phật ý người ta, không ở được với nhau thì khổ".
Trong mắt em thì việc đi làm dâu cũng chẳng có gì to tát. Nếu mẹ chồng tốt, mình sẵn sàng yêu thương lại. Còn mẹ chồng mà quá đáng thì em cũng không có tư tưởng sẽ nín nhịn chịu đựng đâu.
Mẹ chồng em ra ngoài ra ai cũng khen hiền lành. Hôm bọn em cưới, mấy bác nhà chồng cứ bảo em khéo chọn. Vì cả đời bà chẳng nạt nộ ai câu nào. Nhưng chỉ có trời mới biết mẹ chồng em sẽ sống ra sao với con dâu.
Bình thường ở nhà em rất ngại mấy việc vặt. Đặc biệt là nấu cơm rửa bát. Cho nên chiều đến, em cứ cố tình ngồi lại ở công ty thật lâu rồi mới về. Mẹ chồng em lúc đầu không nói gì vì nghĩ ai cũng có công việc. Sau này thấy tần suất dày đặc quá mới hỏi:
"Con làm việc bận nhỉ, bình thường mẹ thấy mấy đứa cứ 6 giờ là tan làm. Còn công ty con mẹ để ý hầu như ngày nào cũng tăng ca".
Bài chia sẻ (Ảnh chụp màn hình).
Tất nhiên là em không dám nói thật nên mới chống chế: "Vâng, đặc thù ngành của con là nhiều việc nên có bao giờ hết việc đâu mẹ. Có mấy chị còn ở lại tới 8 giờ cơ".
Sau này khi mang thai, em sợ về muộn nguy hiểm nên về sớm hơn. Nhưng hôm nào em cũng lên phòng nằm, đợi mẹ chồng nấu cơm xong thì xuống. Mình bầu bí đi làm đã mệt lắm rồi, còn cơm nước phục vụ mấy người thì sức đâu cho lại.
Đợt này sinh con xong, mẹ đẻ em cũng chủ động bảo về nhà ở lấy một tháng cho mẹ chăm. Em mới bảo thẳng:
"Mẹ lên ở với con một tuần rồi về là được. Người ta cứ bảo cháu bà nội tội bà ngoại đúng chẳng sai. Chưa gì mẹ đã có tư tưởng là sẽ trông cháu rồi. Cứ để đó cho bố mẹ chồng con chăm, đằng nào cũng là đích tôn của ông bà".
Thế rồi mẹ em cũng lên ở được một tuần. Lúc về bà cứ dặn em mãi, bảo là mẹ chồng em chịu khó và tốt tính. Em lựa mà sống cho phải đạo. Thật ra em cũng biết đối nhân xử thế lắm chứ.
Từ ngày về làm dâu, em luôn đóng tiền ăn tiêu hàng tháng dù chẳng ăn hết bao nhiêu cả. Con em còn nhỏ hay khóc đêm, mẹ chồng lên bế phụ thì thi thoảng em cũng cho bà mấy đồng. Tính ra tiền đấy ngang ngửa thuê người giúp việc rồi.
Cứ nghĩ mẹ chồng cũng hiểu điều này, không ngờ sau lưng lại chẳng hài lòng với em các chị ạ.
Hôm vừa rồi có mấy bác trong câu lạc bộ hưu trí của mẹ chồng em đến chơi. Vừa đến là mọi người đã kéo nhau vào phòng to nhỏ, em thì chẳng để ý đâu. Nhưng đến giữa buổi, chồng em gọi về nhờ chuyển lời cho mẹ vì điện thoại bà hỏng, đi sửa mà chưa được.
Thế mà vừa xuống đến cửa phòng, em đã nghe giọng mẹ chồng:
"Thanh niên thời nay nó nhác thật đấy chứ. Con dâu tôi nó đẻ được 4 tháng rồi mà chớ hề nấu được nồi cơm. Đêm hôm con khóc cũng mang xuống cho mẹ bế. Nhiều lúc nghĩ thương con thương cháu nên mới nhịn, chứ thật ra là nó cũng quá đáng".
Mấy cô kia nghe nói vậy thì hùa thêm vào:
"Còn phải nói. Ngày xưa chị em mình đi làm dâu, giờ là đi làm mẹ chồng. Chúng nó ăn xong cứ vứt hết đống bát đũa ở đó, rồi cũng đến tay mình. Mấy nữa con chúng nó lớn lại đòi ra ở riêng ngay. Thế là lại sống cảnh 2 ông bà già.
Nhưng chị cũng phải nói đi, chứ em đến mấy lần, lần nào cũng thấy con dâu chị không ngồi chơi thì nằm ngủ. Cứ để thế mãi là nó quen đấy".
Em cố nhịn lắm nên mới lên phòng. Đợi các cô kia về hết, em mới nói chuyện thẳng thắn với mẹ chồng. Rõ ràng là mẹ con với nhau, vậy mà khi không hài lòng, mẹ chồng em lại đi kể lể với người khác để họ đánh giá. Thế nhưng khi em chất vấn, mẹ chồng chẳng buồn giải thích các chị ạ. Bà nói luôn:
"Mẹ tưởng con nghe được thì cũng phải rút kinh nghiệm chứ. Đấy con nhìn xem, con về làm dâu cũng cả năm trời rồi chứ không ít. Việc nhà con chưa từng đụng vào. Có ai đẻ 4 tháng mà vẫn cửa đóng then cài, kiêng gió kiêng lạnh như con không?
Sẵn đây mẹ cũng bảo luôn, bát buổi trưa ăn xong con vứt đó giờ xuống mà rửa. Nay trời lạnh rửa không được".
Giận quá em xuống bỏ vào sọt rác 2 cái bát rồi đi thẳng lên phòng gọi xe ôm con về ngoại. Chồng em thì chưa bao giờ bênh vợ, chỉ giỏi nghe mẹ nên em nhất định sẽ không quay lại đó nữa.
Theo NQ/VietNamnet