Thai phụ P.T.T.T sinh năm 1986 ở Long Biên, Hà Nội nhập viện BVĐK Tâm Anh, Hà Nội cấp cứu trong tình trạng chảy máu khi thai nhi được 31 tuần 1 ngày tuổi. Chị được chẩn đoán mang song thai với ba hội chứng nguy hiểm: một buồng ối một bánh nhau, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược và thêm tình trạng dây nhau xoắn thắt nút.
|
Hình ảnh dây nhau xoắn thắt nút qua siêu âm. Ảnh: BVCC |
Theo y văn, song thai một buồng ối, một bánh nhau rất hiếm gặp, 20.000-35.000 ca mang thai mới gặp một trường hợp, nhau tiền đạo xảy ra ở không quá 1% thai phụ, nhau cài răng lược cũng rất hiếm 3.000 thai phụ mới gặp một trường hợp. “Đây là trường hợp quá đặc biệt khi gặp cùng lúc 3 biến chứng nguy hiểm của thai kỳ. Tôi đã từng học tại Pháp và tham dự nhiều hội thảo quốc tế về sản khoa nhưng chưa nghe về trường hợp tương tự", Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê (Khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội) chia sẻ.
Ở tuần thai thứ 8, khi siêu âm, bác sĩ Hiền Lê phát hiện chị T. mang song thai 1 buồng ối 1 bánh nhau. Đây là tình trạng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng 2 thai nhi, có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ vì những biến chứng do thiếu, thừa lượng nước ối không kiểm soát.
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định kẹp cắt một dây rốn để cứu lấy một thai nhi, tuy nhiên, với trình độ và kinh nghiệm nhiều năm trong việc phát hiện và điều trị bệnh lý thai nhi trong buồng tử cung, cùng với sự tự tin khi có được trợ thủ đắc lực là máy siêu âm hiện đại có thể đánh giá chính xác tình trạng của song thai, ThS.BS Hiền Lê quyết định tiếp tục theo dõi sát sao thai kỳ với mong muốn giữ được cả 2 em bé. Tuy nhiên, thai phụ sẽ phải khám thai theo lịch đặc biệt và thực hiện đầy đủ các chỉ định khác của bác sĩ.
|
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội vừa cấp cứu thành công ca song thai hiếm gặp. |
Ở tuần thai thứ 14, kết quả siêu âm thăm khám cho thấy song thai bị dây rốn xoắn quấn nhiều vòng, nguy cơ tử vong cho thai nhi trên 50%, tính mạng cả 2 thai nhi bị đe dọa từng giờ.
Với những ca hội tụ nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm tương tự, các bác sĩ sẽ có chỉ định kẹp để cắt đứt 1 dây rốn, hy sinh một thai nếu không muốn tăng nguy cơ dây nhau xoắn vào nhau có thể cướp đi sinh mạng cả 2 thai nhi. Để thực hiện được ca phẫu thuật trong bụng mẹ phức tạp đó, cần khoảng không gian trong bụng mẹ để các bác sĩ có thể tiến hành, thường là sẽ bắt đầu khi thai khoảng độ 18 - 19 tuần tuổi.
Tuy nhiên, ở tuần thai thứ 18-19, khi siêu âm, bác sĩ lại phát hiện thai phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Đây là tình trạng nhau không bám ở vùng đáy tử cung như thông thường, mà một phần hay toàn bộ bánh nhau bám vào ở đoạn eo tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ và gây băng huyết nặng sau sinh.
Thai phụ lại từng có tiền sử mổ lấy thai vì thai to năm 2014, làm tăng nguy cơ chảy máu trước và sau mổ lấy thai. Nếu tiến hành phẫu thuật sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong cả mẹ lẫn con.
Trước tình hình nguy cơ cao của thai phụ, các bác sĩ khoa Phụ Sản BVĐK Tâm Anh bắt buộc phải loại bỏ phương án mổ nội soi kẹp dây rốn cứu 1 thai. Thay vào đó, các bác sĩ quyết định giữ cả 2 thai và lập phác đồ theo dõi thai phụ thường xuyên, chuẩn bị sẵn mọi điều kiện về máu, phương án mổ… để có thể xử lý ngay lập tức nếu tình trạng xấu đi.
Ngày 27/6/2019, khi thai nhi được 31 tuần 1 ngày, chị T. nhập viện cấp cứu vì bị ra máu. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho cuộc mổ đặc biệt này, nên ngay lập tức thai phụ được chỉ định mổ bắt con. Mặc dù đã “biết và hiểu” rất rõ về tình trạng của 3 mẹ con, “thuộc từng nút thắt dây rốn, biết rõ từng mạch máu trên bánh nhau”, tuy nhiên, các bác sĩ không khỏi lo lắng vì đây là lần đầu tiên thực hiện ca mổ bắt con phức tạp như vậy. Tiên lượng đây là ca bệnh rất xấu, nguy cơ tử vong mẹ rất cao, nếu mẹ mất máu nặng và con bị ngạt hoặc biến chứng khác.
Sau hơn 90 phút căng thẳng, ca mổ hy hữu “vô tiền khoáng hậu” trong ngành sản khoa đã có kết quả mỹ mãn: Hai bé trai chào đời khỏe mạnh và sản phụ an toàn.
|
Hai bé trai chào đời với cân nặng 1,5kg và 1,6kg khỏe mạnh, lành lặn. Ảnh: BVCC |
Tiếng khóc của 2 bé trai hòa trong tiếng khóc, tiếng cười của người mẹ và toàn bộ ekip bác sĩ BV Tâm Anh. “Nếu không có các bác sĩ ở BVĐK Tâm Anh, gia đình tôi sẽ không thể nào chạm vào niềm hạnh phúc to lớn như thế này”, người nhà sản phụ P.T.T.T nói trong nước mắt khi nhận tin ca mổ đã thành công.
Đây là lần tiếp theo, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội ghi dấu ấn quan trọng trong y khoa khi thực hiện thành công một ca phẫu thuật phức tạp, bên cạnh những kỹ thuật mới và khó như phẫu thuật nội soi điều trị truyền máu song thai và các bệnh lý thai nhi trong buồng tử cung, phẫu thuật vi phẫu trong chấn thương chỉnh hình, ghép nối dây thần kinh, chuyển vạt tự do, ghép nối chi thể đứt lìa, điều trị vô sinh lâu năm, dự trữ buồng trứng thấp, bệnh nhân vô sinh hiếm muộn có bệnh lý phức tạp kèm theo…
An Lê