Phần thịt được nói tới ở đây chính là tim lợn. Nằm trong số các nội tạng của lợn, tim lợn có giá đắt hơn hẳn các phần khác nhưng nhiều người muốn cũng chưa chắc mua được. Mỗi con lợn chỉ có một quả tim, có kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào kích cỡ của con lợn. Tim lợn có hương vị đặc trưng, phần cuống sần sật, phần thịt nạc nhưng giòn, không bở, không dai. Đặc biệt, tim lợn xưa nay được xếp vào nhóm thực phẩm có khả năng bồi bổ cơ thể rất tốt.
Tim lợn đắt không chỉ vì ít mà còn do vị ngon và tác dụng với sức khỏe của nó. (Ảnh minh họa)
Giá trị dinh dưỡng và công dụng với sức khỏe của tim lợn
Tim rất giàu folate, sắt, kẽm và selen. Nó cũng là một nguồn cung cấp vitamin B2, B6 và B12 tuyệt vời, cả ba loại này đều thuộc nhóm được gọi là vitamin B tổng hợp.
Các vitamin B có trong thịt nội tạng - đặc biệt là ở tim lợn, có tác dụng bảo vệ tim mạch, nghĩa là chúng giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tim.
Vitamin B cũng liên quan đến việc duy trì huyết áp khỏe mạnh, giảm cholesterol cao và hình thành các mạch máu khỏe mạnh. Chúng có lợi cho não và đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, chứng mất trí nhớ, trầm cảm và lo lắng.
Tim rất nạc, là một nguồn coenzyme Q10 (CoQ10) tuyệt vời. Đây là một chất chống oxy hóa và có thể giúp điều trị và ngăn ngừa một số bệnh, đặc biệt là bệnh tim. CoQ10 đã được chứng minh là làm chậm quá trình lão hóa và cải thiện mức năng lượng.
Một số món ngon bài thuốc từ tim lợn
Tim lợn hầm đương quy: Tim lợn 1 quả (200g), đương quy 60g, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Tim lợn bổ đôi, rửa sạch, nhét đương quy vào và đem đun chín. Xắt miếng vừa phải và nên ăn ngay. Công dụng: Dưỡng huyết bổ tâm, an thần định chí. Chữa đái tháo đường kèm mất ngủ, tâm huyết hư suy.
Tim lợn xào rau củ là món được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa)
Tim lợn nấu táo đỏ: Tim lợn 1 quả (200g), bách hợp 40g, vừng đen 80g, gừng sống 1 lát, gia vị.
Cách làm: Tim lợn cắt đôi, rửa sạch máu, bỏ màng, để ráo rồi xắt miếng. Táo bỏ hạt, thái miếng. Gừng bỏ vỏ. Vừng đen đãi sạch. Đổ 1/2 lít nước vào nồi đun sôi, cho tất cả các nguyên liệu vào, giảm lửa, đậy kín, nấu chín, ăn nóng. Công dụng: Bổ huyết dưỡng âm, an thần, nhuận trường, thanh nhiệt. Dùng tốt cho người làm việc trí óc căng thẳng tổn tâm huyết, tóc rụng, người bị tim đập nhanh, mất ngủ, trí nhớ giảm, ăn kém, da không tươi nhuận, mồ hôi trộm.
Tim lợn hầm hạt sen: Tim lợn 100g, hạt sen (bỏ tâm) 20g, bách hợp 25g.
Cách làm: Tim lợn thái lát, cho nước vào nấu 30 phút, sau đó bỏ hạt sen và bách hợp, nấu nhừ. Ăn hạt sen và tim lợn, uống canh.
Công dụng: Tư âm thanh phế, dưỡng tâm an thần, thích hợp với người mất ngủ, tâm phiền, hồi hộp.
Canh tim lợn đông trùng hạ thảo: Tim lợn 1 quả (khoảng 200g), nhân sâm 3g, đông trùng hạ thảo 5g.
Cách làm: Đun nước sôi, cho tim lợn vào đun sôi 30 phút, sau đó cho cả 2 vị thuốc vào nấu tiếp khoảng 15 phút cho chín. Ăn cả nước lẫn cái.
Công dụng: Bổ tâm, ích chí, an thần, chỉ ho. Thích hợp với người già, tim yếu, mệt mỏi, thấp khớp.
Tim lợn giàu protein, lại dễ dàng chế biến được nhiều món ngon. (Ảnh minh họa)
Lưu ý khi ăn tim lợn
Cũng giống như các loại thịt nội tạng khác, tim lợn cũng chứa cholesterol và chất béo bão hòa. Trái với niềm tin phổ biến, cholesterol và chất béo bão hòa hiện được cho là quan trọng đối với chế độ ăn uống cân bằng, nhưng chúng phải được tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Theo hướng dẫn chế độ ăn uống của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chất béo bão hòa nên được giới hạn ở mức 10% hoặc ít hơn lượng calo của một cá nhân.
Tuy nhiên, đối với những người trưởng thành cần giảm cholesterol, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo, chất béo bão hòa không nên chiếm quá 5-6% lượng calo hấp thụ hàng ngày.
Người ta cũng tin rằng những người mắc bệnh gút nên tránh ăn thịt nội tạng vì chúng có chứa purine, một phân tử có liên quan đến các đợt bùng phát bệnh gút.
Nói chung, tim lợn là phần thịt bổ dưỡng nhưng cũng nên ăn vừa phải, không sử dụng quá nhiều để tránh những yếu tố không có lợi cho sức khỏe.
Theo Hải Phong/Người Đưa Tin