Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia an toàn thực phẩm, dù hải sản mang lại giá trị dinh dưỡng cho con người những cũng dễ gây dị ứng, ngộ độc khi ăn.
Nguyên nhân là do tùy vào từng loại hải sản, và môi trường sống mà bản thân chúng sẽ chứa các chất độc khác nhau. Ví dụ các nóc hay so biển, bạch tuộc vòng xanh thường có độc tố tetrodotoxin, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở và tử vong nhanh.
Ngoài ra một số hải sản thông thường như cá (cá ngừ, cá thu, cá mú…), tôm, cua, ghẹ, sò… nhưng cũng có thể khiến nhiều người vẫn bị dị ứng khi ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người mắc các bệnh dị ứng như viêm da cơ địa, hen suyễn, chàm…
Điều này được PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh lý giải là do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein lạ, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây dị ứng.
Hoặc hải sản sinh độc tố trong quá trình chế biến, xử lý và đánh bắt chúng tiết ra gây dị ứng cho con người khi ăn.
Cũng theo PGS-TS Thịnh, mức độ dị ứng khi ăn hải sản sẽ tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Một số biểu hiện của dị ứng hải sản có thể kể đến như nổi mề đay, phát ban, nóng rát, chóng mặt…hoặc các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy nôn mửa. Đặc biệt có thể gây sốc phản vệ.
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, để ăn hải sản an toàn, tránh bị ngộ độc hoặc bị dị ứng, người tiêu dùng có thể lưu ý một số mẹo nhỏ dưới đây:
Người dân chỉ nên ăn các loại hải sản được biết chắc chắn là không có chất độc. Thận trọng khi ăn hải sản lạ, ít khi được ăn, để tránh dị ứng hoặc ngộ độc.
Chúng ta chỉ nên ăn thức ăn được chế biến từ hải sản tươi sống, không nên ăn các thức ăn hải sản đã chế biến từ lâu, đặc biệt chỉ nên ăn các loại hải sản đã được nấu chín.
Người dân khi ở hoặc đến các vùng biển nên để ý các thông tin về nhiễm độc nước biển, ô nhiễm môi trường như hiện tượng “thủy triều đỏ”…, lúc này các loại hải sản có thể bị nhiễm độc.
Theo Hạ Quyên/Pháp Luật TP HCM