Cộng đồng mạng Trung Quốc "dậy sóng" khi một đoạn clip ghi lại đám cưới của một cặp đôi được chia sẻ.
Theo đó, để được rước nàng về dinh, chú rể đã chi 288.000 NDT (hơn 1,036 tỷ đồng) tiền sính lễ cho nhà gái, chưa tính đến đủ loại trang sức vàng ròng.
Gia đình chú rể đã chi tới 288.000 NDT nhưng nhà gái vẫn chưa thoả mãn.
Tuy nhiên, khi đám cưới đang diễn ra, mẹ của cô dâu lại đột ngột đòi thêm 300.000 NDT (hơn 1,079 tỷ đồng) bởi lý do "nuôi con gái lớn không dễ dàng gì". Trước thái độ sững sờ của chú rể, cô dâu lại nói: "Bố mẹ nuôi em vất vả lắm". Nghe vậy, chàng trai thẳng tay vứt bỏ hoa cưới và đòi lại số sính lễ trước đó.
Lúc này, cô dâu sợ hãi, vội vàng níu kéo: "Tình cảm 5 năm qua không đáng giá 300.000 tệ sao anh?".
Bỏ ngoài tai mọi lời van xin, chú rể đau đớn đáp: "Vấn đề không phải ở chỗ đó, mà là cách vòi sính lễ như bán con của nhà cô khiến tôi không chấp nhận được".
Cô dâu khóc ròng vì chú rể huỷ đám cưới.
Không thể lay động chú rể, cô dâu khóc lóc thuyết phục bố mẹ để thay đổi ý định nhưng tất cả đã quá muộn.
Hành động của nhà gái đã vấp phải chỉ trích của cộng đồng mạng:
- "Chỉ vì vật chất mà đánh mất hạnh phúc cả một đời, liệu có đáng không";
- "Chú rể chắc đau đớn lắm, từ bỏ người mình yêu đâu có dễ dàng gì";
-"Tiền cả hai có thể kiếm được, nhưng tình cảm chân thành khó tìm lại lắm";
- "Hành động của bà mẹ không thể chấp nhận được, không khác gì đem bán con gái";
- "Bố mẹ của cô dâu có thực sự yêu thương con gái không vậy hay chỉ đang chờ kiếm lợi thế".
Nam giới Trung Quốc kêu cứu vì sính lễ quá cao
"Đó không phải là thứ một người làm công ăn lương có thể gánh được. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo giúp giải quyết vấn đề", cư dân ở Phủ Điền gửi đơn kiến nghị tới bí thư thành ủy Phúc Kiến (đông nam Trung Quốc), đăng trên một bảng tin trực tuyến của tỉnh này.
Người này tuyên bố, chi phí trung bình cho một sính lễ đám cưới ở Phủ Điền năm 2023 là 780.000 tệ (2,7 tỷ đồng), ở những nơi giàu hơn như thị trấn Trung Môn và Đông Trang có thể từ 800.000 đến 2 triệu tệ (2,8 tỷ đến 7 tỷ đồng).
Chính quyền thành phố Phủ Điền cho biết đã điều tra và xác nhận phản ánh là đúng nên cam kết sẽ xây dựng "một cơ chế bền vững" để kiềm chế các hành vi không lành mạnh. Vài năm qua, Phủ Điền, cùng với một số địa phương khác đã kêu gọi người dân thay đổi nếp sống, hạn chế quà đính hôn, kêu gọi mức sính lễ không quá 180.000 tệ (hơn 600 triệu đồng). Tuy nhiên, những lời kêu gọi này không có tác dụng.
Sính lễ đám cưới quá cao khiến nam giới Trung Quốc ngại kết hôn. Ảnh minh hoạ
Bức thư của cư dân Phủ Điền đang tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên các mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích số tiền khổng lồ chi cho sính lễ, nói rằng các gia đình "đang bán con gái" và "phô trương sự giàu có".
Những người khác lập luận rằng truyền thống quy định hầu hết các bậc cha mẹ phải tặng quà cho cặp vợ chồng mới.
Gia tăng chi phí sính lễ mạnh nhất ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, hoặc các tỉnh phía nam như Phúc Kiến. Một số trường hợp, các gia đình cạnh tranh xem ai có thể chi nhiều tiền nhất cho đám cưới hoặc tổ chức một hôn lễ hoành tráng hơn, khiến nhiều cặp đôi chìm trong nợ nần sau khi về chung một nhà.
Trong ấn tượng của bà mối Cai, ở Phủ Điền, có rất nhiều trường hợp tan vỡ vì chuyện sính lễ. Năm ngoái, một trường hợp bà làm mối đã chia tay vì không thống nhất được khoản này. "Vào thời điểm đó, nhà trai đã đến nhà gái để ngỏ lời cầu hôn. Bố mẹ cô gái muốn 380.000 tệ nhưng nhà trai không đồng ý".
Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần trong lễ kết hôn, bao gồm tiền mặt và những món quà khác như vàng, đồ trang sức để trao cho nhà gái. Các cô dâu cần phải đeo vàng khi kết hôn, thậm chí đeo tất cả vàng có được lên cơ thể. Một trong các mục đích là để chứng tỏ rằng gia đình nhà mẹ đẻ rất có thế lực và họ sẽ không bị ức hiếp khi gả vào nhà trai.
Theo Bách Hợp/Gia Đình & Xã Hội