Những áp lực, bộn bề và bận rộn từ cuộc sống và công việc khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay chấp nhận chi một khoản tiền kha khá hàng tháng để thuê người giúp việc.
Họ hy vọng đời sống sinh hoạt bớt phần vất vả, vợ chồng có thời gian nghỉ ngơi khi nhà có thêm người phụ giúp việc vặt.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều gia đình Việt lại rơi vào cảnh "lao đao", "chồng chu vợ chéo" vì người giúp việc "ít tài nhiều tật", "việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng",...
Vợ chồng trẻ "lao đao" vì người giúp việc thích buôn chuyện
Vốn chẳng "mặn mà" chuyện "sống chung với người lạ" nhưng nhà neo người, không ai phụ giúp nên chị Nguyễn Thanh Nga (35 tuổi, sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn "bấm bụng" chi 7 triệu đồng/tháng để thuê người giúp việc.
Mỗi tháng, chị Nga trả 7 triệu đồng cho người giúp việc, bao ăn bao ở, hỗ trợ 4 ngày nghỉ cuối tuần. Ngày lễ, Tết, vợ chồng chị cũng thưởng tiền, biếu quà cho người giúp việc có thêm "của để dành". Thỉnh thoảng, nữ nhân viên ngân hàng còn mua bộ quần áo, đôi giày mới hoặc gửi quà đưa bà mang về cho các cháu ở quê.
Những ngày đầu có người hỗ trợ, vợ chồng chị yên tâm hẳn vì nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng. Hai cậu con trai cũng được chăm sóc cẩn thận, sinh hoạt đúng giờ giấc và nề nếp. Bà giúp việc cũng khéo nấu nướng nên các món ăn đều hợp khẩu vị của các thành viên. Về chuyên môn và kinh nghiệm của người giúp việc, gia đình chị Nga không có gì để chê.
Tuy nhiên, vợ chồng chị "vỡ mộng" chỉ sau 4 tháng chung sống cùng người giúp việc. Chẳng những không bớt mệt mỏi, gia đình chị còn lâm cảnh "lao đao", vướng đủ rắc rối "từ trên trời rơi xuống" khi bà giúp việc thích "buôn dưa lê".
"Mấy lần hàng xóm trêu ghẹo, nói bóng gió này nọ, vợ chồng tôi ngỡ ngàng vì không hiểu sao họ lại biết chuyện riêng trong nhà. Từ chuyện làm ăn, đầu tư cho đến cãi vã thường ngày của hai vợ chồng cũng "lọt tai" người ngoài", chị Nga bộc bạch
Vì không dễ gì tìm được một người phụ giúp việc nhà, chăm sóc con cái chỉn chu như thế nên vài lần đầu, vợ chồng chị chỉ góp ý nhẹ nhàng. Tuy nhiên, người giúp việc không để tâm, vẫn chứng nào tật nấy khiến nhiều chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường.
Đỉnh điểm nhất là khi người bạn cùng công ty với chồng chị Nga vướng rắc rối vì có con riêng. Vốn chỗ thân thiết nên người này hay gọi điện tâm sự với chồng chị.
"Vợ chồng bạn có chuyện thì chồng tôi cũng không vui. Thỉnh thoảng tôi cũng có ẩn ý nhắc chồng đừng có vướng sai lầm như bạn. Thế mà không hiểu bác giúp việc nghe được thế nào, lại nhầm tưởng là chồng tôi có con riêng bên ngoài.
Có lần, tôi chuẩn bị đi làm thì nghe hàng xóm ngồi ngoài hành lang nói chuyện với nhau, đại ý rằng chồng tôi bồ bịch có con riêng. Thấy tôi, họ không bàn tán nữa nhưng vẫn nhìn theo với ánh mắt dò xét. Thậm chí, tôi còn nghe được mấy bác đàn ông cùng tầng bảo rằng nhà toàn con gái nên chồng phải ra ngoài kiếm thêm con trai nối dõi. Dù đã giải thích mà nhiều người vẫn không tin, từ chuyện bé xé ra to", chị Nga bức xúc.
Quá mệt mỏi, chị quyết định cho người giúp việc nghỉ làm, "cạch mặt" và chẳng dám nghĩ đến chuyện đưa "người lạ" về sống chung nữa.
"Trốn" việc, sống… sướng hơn chủ, "chỉ đạo" cả gia đình
Dù mang nghĩa giúp việc nhưng không ít trường hợp người giúp việc lười nhác, "trốn tránh", đùn đẩy việc cho gia chủ. Chị Thanh Hà (quận 1, TPHCM) từng rơi vào cảnh chủ nhà mà như giúp việc. Chi 6 triệu đồng/tháng để thuê người đến phụ giúp việc nhà, chị Hà chẳng những không bớt vất vả mà còn thấy mệt mỏi, khổ sở hơn.
"Thấy tôi đi làm về thì bác ấy bế con đi chơi, còn tôi thì nấu cơm, dọn nhà, giặt giũ. Nhiều lúc tan làm về muộn, nhà chẳng có cơm ăn. Hôm nào vợ chồng tôi ở nhà thì người giúp việc viện cớ thằng bé quấn bố mẹ để được rảnh tay, gần như mình phải tự làm hết", chị Hà bức xúc.
Chưa kể, người giúp việc còn không biết tiết kiệm, sử dụng điện nước một cách lãng phí. Nhiều tháng mùa hè, đôi vợ chồng trẻ phải "méo mặt" vì hóa đơn tiền điện lên tới vài triệu đồng.
Bên cạnh đó, chỉ vì sự thật thà quá mức của người giúp việc mà chị "khốn đốn" với bạn bè, người thân. Vì bận rộn đi sớm về khuya cả tuần nên chị Hà muốn được nghỉ ngơi ngày chủ nhật. Dù dặn dò người giúp việc rất kỹ nhưng cuối cùng chị lại "rước bực vào người".
"Tôi dặn bác ấy nếu có khách hỏi hay ai sang thì báo tôi vắng nhà để tranh thủ nghỉ ngơi chút cho đỡ mệt. Vậy mà khách tới, bác thật thà kể nguyên lời tôi dặn là ai đến thì bảo tôi không ở nhà. Người ta nghe thế nghĩ tôi coi thường, không muốn tiếp khách. Vài lần như vậy, bạn bè, đồng nghiệp hiểu nhầm, từ mặt, còn bản thân thì chẳng thể giải thích được gì", nữ biên dịch viên trải lòng.
Không chỉ thế, suốt gần 1 năm sống cùng người giúp việc, chị nhận xét rằng, ám ảnh hơn cảnh "sống chung với mẹ chồng" ở trong phim. Vợ chồng chị phải cố nhẫn nhịn suốt cả năm trời, chờ tới khi bà nội về hưu mới cho người giúp việc nghỉ.
"Hai vợ chồng ở riêng, có thêm giúp việc mà sinh hoạt rất chật vật. Mua đồ online, ăn uống cầu kỳ chút bị mắng té tát vì không biết tiết kiệm. Đi làm về chưa kịp cất gọn đồ đạc là bác mắng một tràng. Thỉnh thoảng, có việc quan trọng cần chăm chút ngoại hình, bác giúp việc lại bảo tôi điệu đà và không cho xịt nước hoa vì bác khó chịu. Nhiều khi, hai vợ chồng cứ phải lén lút xuống nhận đồ rồi lấy cớ được người cho, người biếu để khỏi bị người giúp việc soi mói, chê bai", chị Hà nhớ lại.
Thậm chí, cuối năm ngoái, chị từng phải vào bệnh viện khám và mua thuốc điều trị "thần kinh" vì quá mệt mỏi bởi người giúp việc "ít tài nhiều tật" của gia đình.
Mong muốn có người đỡ đần việc nhà cửa, con cái để có thêm thời gian nghỉ ngơi, giúp cuộc sống bớt vất vả nhưng trên thực tế, không ít gia đình rơi cảnh "lao đao", "tiền mất tật mang" vì người giúp việc.
Không những tốn kém về mặt vật chất, nhiều gia chủ còn khốn khổ, phải chịu cảnh người giúp việc "tra tấn" tinh thần.
Theo Dân Trí