Ngày càng nhiều phụ nữ ở Trung Quốc chia sẻ về trải nghiệm ly hôn của họ nhằm thay đổi định kiến và hướng đến điều tích cực.
Cally Fan, mẹ đơn thân người Trung Quốc, chưa bao giờ tưởng tượng việc đăng tải thông tin ly hôn trên mạng xã hội sẽ thay đổi cuộc đời cô theo hướng tích cực.
"Tôi chỉ muốn có nơi để giãi bày những suy nghĩ và cảm xúc của mình trong suốt quá trình ly hôn", cô nói với ABC News.
Bị chồng cũ phản bội, người phụ nữ 35 tuổi chia sẻ tất cả trải nghiệm của mình, từ tìm luật sư, nói chuyện với con cái đến thuyết phục cha mẹ có tư tưởng bảo thủ.
Quyết định ly hôn của Fan không được ủng hộ. Mẹ của cô nói rằng ly hôn là điều tai tiếng, đầy xấu hổ, thậm chí là nỗi ô nhục nếu bị người ngoài phát hiện. Nhưng cô vẫn kiên trì theo đuổi và sớm được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân 10 năm.
|
Ảnh minh hoạ: shutterstock. |
Fan hiện có hơn 15.000 người theo dõi và xây dựng dịch vụ tư vấn hôn nhân dựa trên sự nổi tiếng của mình. Cô khuyến khích phụ nữ Trung Quốc nên cân nhắc chuyện hôn nhân một cách hợp lý, thay vì cổ vũ họ ly hôn.
Kể từ khi đủ điều kiện làm cố vấn và mở doanh nghiệp riêng vào năm 2022, Fan đã cung cấp dịch vụ cho hơn 700 người có nhu cầu.
"Mục đích ban đầu của tôi là giúp đỡ phụ nữ từ trải nghiệm ly hôn của chính mình. Tôi muốn họ cảm thấy không đơn độc, được thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn đang trải qua", cô nói.
Nhiều người Trung Quốc không kết hôn vì sợ khó ly hôn
Tại Trung Quốc, người muốn ly hôn phải đợi 30 ngày sau khi nộp đơn và lâu hơn nếu đối tác từ chối ly hôn, theo điều luật của Trung Quốc áp dụng vào tháng 1 năm 2021 với mục đích cải thiện sự ổn định xã hội.
Biện pháp gây tranh cãi này đã khiến tỷ lệ ly hôn giảm mạnh nhưng các nhà phê bình cho rằng nó gây bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là những người không có nguồn thu nhập độc lập.
Nhiều người yêu cầu ly hôn không được chấp thuận ngay cả khi họ bị lừa dối hoặc bạo lực gia đình.
"Kết hôn giống như đi xuống địa ngục. Tôi không thể tin rằng vẫn có hơn 10 triệu người kết hôn trong một năm" - một người dùng Weibo bình luận.
Thực tế tại Trung Quốc, phụ nữ đang có xu thế là phía chủ động muốn ly hôn. Theo Tòa án Tối cao Nhân dân Trung Quốc, khoảng 74% trường hợp đệ đơn ly dị trong năm 2016 và 2017 là từ phía nữ giới. Việc tiếp cận tốt hơn với giáo dục và công việc trong những thập niên gần đây đã nâng cao độc lập tài chính và địa vị xã hội của phụ nữ tại Trung Quốc. Họ chịu ít ảnh hưởng hơn từ những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Tuy nhiên, áp lực xã hội vẫn tồn tại. Gia đình và bạn bè thường không ủng hộ phụ nữ ly dị và các tòa án Trung Quốc thường có xu hướng ra phán quyết phản đối để duy trì ổn định xã hội.
Ly dị thường kéo theo định kiến xã hội với nhiều phụ nữ như "thiếu đạo đức", "lăng nhăng" hay "không biết cách giữ hạnh phúc gia đình". Đôi khi ngay cả bằng chứng về bạo lực gia đình cũng không đảm bảo sẽ có phán quyết được ly dị.
Nhưng ngày càng nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để thách thức thái độ kỳ thị và nỗ lực thay đổi định kiến. Họ thường xuyên đăng tải cuộc sống hạnh phúc hậu ly hôn, thậm chí còn ví đơn ly hôn là "giấy chứng nhận hạnh phúc".
Liu Qunyu (48 tuổi, sống ở tỉnh Sơn Đông) bắt đầu chia sẻ trải nghiệm ly hôn của mình trên mạng vào tháng 2/2023.
"Bây giờ phụ nữ ở Trung Quốc đang thức tỉnh và tôi là một trong số đó. Tôi hy vọng các bài đăng của mình có thể cung cấp sức mạnh cho những người đang bị giằng xé ở giữa cuộc ly hôn".
Các cuộc thảo luận trực tuyến về cách đấu tranh giành quyền nuôi con, thu thập bằng chứng chồng ngoại tình hay cách chữa lành tổn thương cũng được chia sẻ.
Theo Thư Di/Gia đình và Xã hội