Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn. Trên tôi còn một chị gái cũng lấy chồng gần. Bố tôi bị bệnh hiểm nghèo mất sớm nên mẹ tôi phải vất vả mưu sinh nuôi hai chị em tôi nên người.
Tốt nghiệp cao đắng sư phạm, tôi may mắn thi được vào biên chế của trường tiểu học gần nhà, trở thành cô giáo làng và an phận với cuộc sống yên bình ở quê nhà. Chồng tôi làm thợ điện. Cuộc sống vợ chồng trẻ ban đầu còn nhiều khó khăn nhưng ấm áp và hạnh phúc.
|
Tôi và mẹ từng rất gắn bó, khăng khít với nhau. Ảnh minh họa |
Nhà mẹ đẻ cách gia đình nhỏ nơi vợ chồng tôi sinh sống chỉ hơn 1 km. Tôi mang con tạt qua nhà mẹ đẻ thường ngày nhiều như cơm bữa. Bên gia đình chồng neo người, bố mẹ chồng đều đã mất nên việc anh và tôi hướng về bên ngoại nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Cách đây hơn ba năm, tôi mới lập gia đình và gom được số tiền mừng cưới là 10 triệu đồng. Lúc đó mẹ tôi lâm vào cảnh khó khăn vì bị bệnh thấp khớp nặng. Cùng thời điểm tôi mới ra trường, còn đang tay trắng nên xác định việc giúp mẹ bằng cách không góp của nhưng góp công. Ngày ngày tôi vẫn tạt qua gánh vác đỡ đần cho mẹ những việc nặng trong cuộc sống hằng ngày.
Thời điểm đó mẹ cần tiền chạy chữa nên hỏi tôi vay tiền. Tôi nói tài sản lúc đó hai vợ chồng vỏn vẹn chỉ có 10 triệu, nhưng cũng sẵn sàng dốc ra cho mẹ. Tuy nhiên lúc đó do vô tâm nên tôi có nói: "Mẹ vay vậy nhưng cố gắng hoàn trả lại cho con sớm nhất có thể. Con nói với chồng số tiền mừng cưới mang đi gửi ngân hàng. Sợ có ngày anh phát hiện ra nên mẹ con mình phải nhanh chóng đắp đổi lại đấy".
Lời nói gió bay, tôi cứ nghĩ mẹ đẻ con ruột xuề xòa, chín bỏ làm mười nên nhanh chóng quên đi lời lẽ vô tình của mình với mẹ.
Căn nhà cấp bốn mẹ tôi hiện sinh sống vốn là đất thừa kế bố tôi hưởng lại từ phía nhà nội. Bên cạnh căn nhà đó còn có hai mảnh đất để không, cũng nằm trong thừa tự mà mẹ được hưởng lại từ người chồng đã mất. Tuy nhiên, hai mảnh đất cằn cỗi đó chỉ để gia chủ cải tạo trồng rau, nuôi gà cải thiện bữa cơm hằng ngày. Ai dè một ngày cả loạt đất đó nằm trong diện quy hoạch tuyến đường quốc lộ liên tỉnh. Sau một đêm thức dậy, mẹ tôi trở thành tỉ phú làng quê.
Đang từ tay trắng bỗng sở hữu số tiền lớn trong tay nhưng gương mặt mẹ tôi luôn kém vui và hay thở dài. Tôi gặng hỏi mẹ nhưng bà không nói. Rồi sức khỏe mẹ tôi ngày càng đi xuống. Khi tôi vào chăm mẹ ở bệnh viên, bà có vẻ cự tuyệt sự chăm sóc từ con gái ruột.
Bà hay quay mặt vào trong khóc thầm. Khi thấy tình cảm của mẹ đối xử với mình bất công, tôi gặng hỏi. Lúc đầu bà không nói nhưng trước sự cương quyết của tôi trong việc tìm ra căn nguyên vấn đề, bà nói có lá thư bà viết để lại dưới đáy tủ ở nhà. Tôi cầm chìa khóa bà đưa rồi về mở ra đọc.
Trong lá thư nói rõ nỗi thất vọng và khổ tâm của bà trong ba năm qua. Bà nói chồng mất sớm, một mình bươn chải nuôi nấng con cái mong con nên người. Lúc bà cạn kiệt sức sống cũng chỉ mong con cái hỗ trợ về mặt tinh thần. Số tiền 10 triệu đồng bà hỏi vay tôi chỉ vì lúc đó bà không còn cách nào khác xoay xở. Nhưng bà trở nên thất vọng về con gái khi con lo mẹ không có khả năng hoàn trả.
Bà nói, không ngờ tôi lại là người vô tình, trọng đồng tiền còn hơn tình nghĩa ruột thịt. Giờ đây, bà có trong tay số tiền lớn và sẵn sàng thừa kế lại cho tôi tài sản còn giá trị hơn cả trăm lần con số 10 triệu đó. Tuy nhiên nhớ lại thời bần hàn ngày xưa, bà vẫn khắc khoải và đau đớn trong lòng.
Hóa ra chỉ vì lời nói vô tình của tôi mà mẹ găm chặt nỗi buồn trong lòng từ dạo đó đến giờ. Tôi phải làm sao giải thích cho mẹ hiểu, tôi hoàn toàn không có ác tâm khi thốt ra câu nói đó. Tất cả chỉ vì sự chủ quan và vô lo nghĩ của tôi khi trò chuyện với người thân. Hơn nữa có lẽ bà đã quá nhạy cảm dẫn đến hiểu sai bản chất vấn đề.
Giờ đây tôi làm sao thú thật với mẹ tình cảm của bản thân để mong bà bỏ qua cho tôi tất cả?
Theo Diệu Thảo/Dân Việt