Ngày mang thai đứa con đầu lòng, mẹ chồng buông thõng cho tôi một câu xanh rỡn: “Không phải cháu trai thì đầu ngõ nhà anh chị tôi cũng không vào”. Thế rồi, tôi sinh đứa con gái, và bà không tới thật. không một lời hỏi han tới cháu, không một lần ghé qua thăm mặt. con tôi lớn lên từng ngày mà chưa từng biết tới bà nội.
Cho đến 5 năm sau tôi mang thai đứa thứ 2, đứa cháu trai của bà. Bà cất công tới trong những ngày tôi cận sinh. Những tưởng bà sẽ yêu thương, quan tâm tới tôi hơn hay đơn thuần là sẽ để mắt tới tôi một chút… Nhưng không, con trai tôi có lẽ vẫn chưa đủ để làm bà thay đổi cách nghĩ về tôi.
Nếu như mẹ đẻ của tôi chăm tôi từng chút một, giặt từng cái tã lót, nấu từng bữa cơm, bế cháu hàng tiếng đồng hồ thì mẹ chồng tôi ngược lại hoàn toàn. Bà tới không phải để chăm cháu, chăm con dâu, mà bà tới dường như để hưởng thụ. Sinh con được 1 tuần thì tôi xuất viện, tôi về nhà đúng nghĩa là “phục vụ” bà. Cơm ăn 3 bữa, quần áo giặt hàng ngày, chưa kể những khi bà khó ở thì phải làm nhiều hơn thế.
|
Ảnh minh họa. |
Có lần tôi mệt, ngủ dậy muộn không kịp nấu ăn sáng cho bà. Bà tức tốc xếp hành lí đi ra bến xe bắt xe về quê. Chồng tôi không biết chuyện, sợ bà phật ý nên ra đón bà ngày. Thấy chồng kể lại, ra bến xe không thấy bà, tìm xung quanh thì trông bà đang ngồi ăn trong quán phở, hỏi thì bà bảo bị con dâu bỏ đói…
May sao chồng tôi không phải kiểu người con trai bênh chằm chặp mẹ nên tôi cũng đỡ được phần nào sau sự việc ấy. kể từ đó, bà xem tôi như người dưng và bà cũng không tới nhà tôi một lần nào nữa.
Thiết nghĩ muôn đời vẫn là chuyện mẹ chồng nàng dâu, nhưng cớ sao lại không thể hóa giải, không thể hòa hợp khi ở giữa cả hai luôn có những cầu nối gắn kết…
Theo Thùy Trang/Vietnamnet