Thời đại công nghệ số lên ngôi
Nghệ sĩ Hoàng Nguyên cho biết, Youtube là kênh chia sẻ video được nhiều người quan tâm và đây cũng là kênh truyền thông được các nhóm hài, đạo diễn phim hài tìm đến. Hướng đến mạng xã hội là xu hướng chung của các đoàn làm phim, bởi ngoài thị hiếu thì yếu tố kinh tế cũng đặt lên hàng đầu.
Thời gian gần đây, các kênh hài trên Youtube như: Ghiền mì gõ, DamTV, Kem xôi TV, Loa phường TV... nhận được lượng người xem “khủng” trên các ứng dụng công nghệ số như điện thoại, iPad, máy tính... Lý giải về điều này, nhà biên kịch Khánh Hưng chia sẻ: “Qua rồi cái thời cả tuần chỉ có một tiểu phẩm hài trên truyền hình VTV. Giờ đây, các đài truyền hình địa phương cũng tự sản xuất được các series phim hài, các đoàn làm phim hài tư nhân cũng đầu tư hẳn một kênh giải trí riêng trên Youtube. Sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ đã tạo nên sự sôi động trên mạng xã hội của các kênh hài tư nhân”.
|
Một cảnh trong phim hài trên kênh Kem xôi TV phát trên Youtube. |
Nghệ sĩ Trà My chia sẻ: “Khác với các đĩa hài dịp tết, các tiểu phẩm hài trên Youtube rất ngắn khoảng 5 – 7 phút, kịch bản cô đọng, gây cười thâm thuý. Phim hài sitcom không tốn kém nhiều về bối cảnh, thời gian, diễn viên ít nên chi phí cho mỗi tập phim giảm đáng kể. Vì thế, cả đạo diễn và diễn viên đều thích làm thể loại này. Các bộ phim như: Sắc màu phái đẹp, Rubic8... ngoài việc phát trên VTV hay các đài truyền hình địa phương thì cũng hướng đến việc khai thác lợi nhuận trên internet. Chứng tỏ trên Youtube, lượng người xem cũng rất ổn nên nhà đài mới khai thác ở mảng này”.
Phim có thương hiệu trên Youtube thì có doanh thu
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết: “Có lẽ, xu hướng bây giờ đã thay đổi, bởi khán giả cũng muốn nhanh, tiện khi xem hài qua các ứng dụng trên mạng xã hội. Tôi còn nhớ 10 năm trước, đĩa hài tết bán rất chạy, cứ thông báo sáng mai phát hành đĩa thì tối nay, các nhà nghỉ quanh công ty đã nườm nượp người từ các tỉnh lên ở để chờ lấy hàng. 7h sáng hôm sau, mỗi người lại ôm một bọc to, hỉ hả tỏa đi các hướng. Tuy nhiên, hiện tại, xu hướng làm phim bắt đầu thay đổi, nhiều đoàn làm phim cũng bắt đầu “mạng hoá” tiểu phẩm hài để tăng sự phủ sóng, tăng lợi nhuận từ việc ký hợp đồng quảng cáo trên Youtube”.
|
Đạo diễn Phạm Đông Hồng và NSƯT Quang Thắng trong hậu trường phim Chôn nhời |
Trả lời câu hỏi, các bộ phim hài của Phạm Đông Hồng đã tiếp cận Youtube thế nào, đạo diễn này cho biết: “Phải đến năm 2015, tôi mới bắt đầu đăng ký kênh riêng của mình trên Youtube. Đăng ký giúp bảo vệ bản quyền phim cho nhà sản xuất. Sau vài tháng lên Youtube, bộ phim Chôn nhời 3 đã đạt 9 triệu lượt xem, còn Trở lại đạt 6 triệu lượt xem, nhiều nhãn hàng đã đặt vấn đề quảng cáo trên kênh này của tôi. Doanh thu từ kênh phim Youtube không đến nhanh, chỉ khi nào phim của mình có thương hiệu thì doanh thu mới tìm đến... lâu nhưng bền vững lắm”.
Trước câu hỏi, vì sao các nhà sản xuất lại mạnh dạn đầu tư cả một kênh phim trên Youtube như vậy? Đạo diễn Bình Trọng trả lời: “Làm nghệ thuật đôi khi cũng cần sự mạo hiểm. Chúng tôi cũng muốn thử sức mình ở những lĩnh vực mới. Thị hiếu ở Youtube rất khác với thị hiếu của khán giả mua đĩa hài tết. Đa số khán giả trên Youtube là những người trẻ, họ thích những bộ phim hài ngắn, nhưng gây cười kiểu sốc, hay liên quan đến những vấn đề thời sự. Đây là xu hướng mới, nếu không thử và làm sẽ bị tụt hậu và tự đào thải”.
Đạo diễn Bình Trọng cho biết: “Nghề nào cũng có sự cạnh tranh khốc liệt. Bản thân tôi đã từng bị “đối thủ” chơi xấu khi mới thành lập kênh hài trên Youtube được mấy ngày thì kênh bị sập. Tuy nhiên, sau đó kênh được khôi phục lại và có lượng người xem còn cao hơn ban đầu. Tôi cho rằng, kịch bản phim, chất lượng diễn viên tham gia là một yếu tố quan trọng để bộ phim thành công hay không, còn những việc lùm xùm đằng sau đó sẽ nhanh chóng bị lãng quên thôi”.
Theo Lạc Thành/Người đưa tin