Mở đầu câu chuyện, Nga tâm sự: "Có thể mẹ chồng tưởng công việc của mình kiếm được nhiều tiền nên bà thường xuyên than thở thiếu cái này, muốn mua cái kia mà không có tiền để mình cho. Thế nhưng, sự thật thì với lương hành chính 3 cọc 3 đồng mà đủ thứ phải chi tiêu khiến mình rất đau đầu. Cộng với việc mẹ chồng ca thán liên tục khiến mình áp lực vô cùng.
Mình biết, tính bà không phải xấu hoặc có thể trước kia chồng mình kiếm được bao nhiêu đều đưa hết cho mẹ, giờ có vợ rồi phải đưa mình chi tiêu nên bà tạm thời chưa chấp nhận được".
Ngày Nga mới về làm dâu, mẹ chồng hồ hởi giao hết mọi việc để cô lo, từ ma chay, hiếu hỉ đến chi tiêu điện, nước trong nhà. Bà còn vừa cười vừa nói: "Sướng nhất con đấy, nhà khác không có chuyện này đâu, con dâu phải nộp tiền cho mẹ chồng, muốn mua gì cũng phải được sự đồng ý của mẹ chồng mới được mua. Mẹ giao cho con, muốn ăn tiêu thế nào cũng được, một đồng cũng không phải đưa mẹ".
|
Ảnh minh họa. |
Lời mẹ nói đơn giản mà sao Nga thấy thực hiện được lại khó khăn thế. Đủ thứ tiền trông chờ vào mấy triệu lương "cọc" của cô. Có tháng vừa nhận lương cô đã phải chuyển khoản đi khắp nơi để thanh toán điện, nước, tiền học, tiền bỉm sữa cho con…
Nga bảo, giá mà mẹ chồng hiểu cho nỗi khổ của cô thì tốt biết mấy. Đằng này, cứ dăm bữa nửa tháng là bà lại than thở hoặc nói ráo những câu kiểu như: "Cái áo này mặc chục năm rồi mà chả có tiền mua cái mới", "Sắp có đám cưới dưới quê, muốn may chiếc áo dài cũng không có xu nào dính túi, khổ ghê"…
Những lần đầu Nga đều cố gắng tằn tiện biếu mẹ chồng tiền để bà mua sắm những gì muốn mua. Lâu dần, mẹ chồng nói nhiều Nga cũng quen, cô không thể đáp ứng được yêu cầu của bà nữa. Cũng từ đó, thái độ bà đối xử với cô khác hẳn.
Giờ mỗi lần mẹ chồng kêu không có tiền Nga đều cố làm ngơ như không nghe thấy. Thấy con dâu như vậy, bà càng "làm mình làm mẩy" nói mỉa: "Được tiếng con trai làm kĩ sư, con dâu ngân hàng mà để cho mẹ nó khổ thế này đâu. Trước chưa có vợ mẹ còn được đồng quà tấm bánh, giờ có vợ chả nhìn thấy mẹ ở đâu nữa. Nhà này lại được cả đôi giống nhau".
Nga tâm sự: "Cho mẹ tiền mua thuốc bổ hay ăn uống mình không tiếc, đằng này bà cứ kêu rồi khi mình đưa cho là bà lại tích để mua vàng cho con gái, trong khi em rể mình nghiện bài bạc, bao nhiêu lần bán cả nhà cửa để chơi. Mình thấy như thế thật vô nghĩa, mình cũng biết tiếc tiền mồ hôi công sức của mình chứ".
Nga kể, trước ngày Thần tài 3 hôm, trong bữa ăn mẹ chồng cô bảo: "Dạo này thời tiết thay đổi mẹ đau nhức chân quá, bà bạn cùng câu lạc bộ dưỡng sinh mách mẹ lọ thuốc của Nhật tốt lắm. Mẹ muốn mua mà không có tiền, chẳng lẽ cứ chịu đau đớn thế này mãi sao?".
Nghe mẹ nói, chồng Nga giục vợ lấy tiền đưa mẹ 5 triệu để bà mua thuốc khớp. Mặc dù không hài lòng nhưng Nga vẫn phải nghe lời chồng, nếu không anh sẽ lại mỉa mai "không phải mẹ em nên em không thương".
Ngày Thần tài, đồng nghiệp rủ nhau đi mua vàng lấy may mà Nga ngao ngán. Chi tiêu dè xẻn từ trong Tết với hi vọng tích được chút tiền, thế mà cô lại phải "biếu" mẹ chồng mua thuốc hết rồi còn đâu. Chị đồng nghiệp kế bên rủ "không mua thì đi cùng chị cho có không khí", vui tai thế nào Nga lại đồng ý luôn.
|
Ảnh minh họa. |
Đến tiệm vàng, Nga giật mình thấy mẹ chồng cô ở trong, bà đeo kính nhìn chăm chăm vào khay vàng trong tủ kính. Vì mải mê nên bà không biết đến sự xuất hiện của con dâu, lúc bà bảo chủ cửa hàng "bán cho 3 chỉ" thì sững lại nhận ra Nga đứng ngay bên cạnh. Cô vừa cười vừa hỏi: "Ơ mẹ mua vàng hộ ai thế ạ? Khổ mẹ đang đau nhức chân lại chạy ra phố lo chuyện bao đồng làm gì. Ai nhìn thấy lại nghĩ mẹ suốt ngày kêu nghèo kể khổ mà giấu giếm các con đi mua vàng bỏ lọ. Chỉ có con cái mới hiểu được mẹ thôi, thiên hạ giỏi thêu dệt lắm".
Mẹ chồng Nga lúng túng: "Mẹ… mua mua hộ ấy mà. Nhưng thôi, con nói đúng đấy, mua hộ phiền phức lắm, chắc mẹ trả tiền để người ta tự mua. Mẹ về trước nhé".
Nói chưa xong mẹ chồng Nga đã bước vội ra về. Nga đứng cười tủm tỉm trông theo. Nga bảo: "Mẹ chồng mình cũng biết đề phòng đấy, chắc hẳn bà sợ con cái bắt gặp nên mới đến tận tiệm vàng xa nhà thế này, không ngờ lại 'có duyên' thật. Có lẽ từ giờ bà không còn lí do gì để than nghèo kể khổ với mình nữa rồi".
Theo Trí thức trẻ