Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận-Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, trẻ nhập viện khoảng 17 tháng tuổi, đang bú mẹ, có dấu hiệu bất thường vì xuất huyết âm đạo và ngực to.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, kết hợp với khai thác thông tin gia đình, bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân nằm ở … người mẹ. Cụ thể, người mẹ sử dụng thuốc làm hồng nhũ hoa chứa estrogen trong vài tháng. Thời gian đó, trẻ vẫn bú mẹ nên hấp thụ luôn chất trên.
Bệnh nhi được xác định dậy thì sớm ngoại biên, người mẹ chỉ cần ngưng thuốc làm hồng nhũ hoa, các triệu chứng của bé sẽ giảm hẳn.
Ca bệnh trên vừa được bác sĩ Vũ Quỳnh báo cáo trong hội thảo về Dậy thì sớm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Tại bệnh viện này, rất nhiều trẻ có dấu hiệu của dậy thì sớm đã được thăm khám.
Trong đó, một bé gái 16 tháng tuổi khác được mẹ đưa đến viện vì ngực to. Trẻ được siêu âm ngực, bụng để đánh giá u hoặc bất thường tử cung, buồng trứng. Tuổi xương được xác định là 24 tháng (trong khi trẻ mới 16 tháng tuổi), tử cung lớn hơn so với tuổi.
12 tháng sau, trẻ trở lại bệnh viện khi chiều cao tăng thêm 13cm, nặng thêm 3kg, ngực và tử cung phát triển hơn. Các xét nghiệm thời điểm này đưa đến nhận định, trẻ dậy thì sớm trung ương tiến triển và được điều trị bằng thuốc tiêm.
Các bác sĩ nghi ngờ có thể bé gái mang một khối u não nên hội chẩn rất nhiều lần, nhưng kết quả MRI não không có bất thường. Cho đến khi trẻ trên 3 tuổi, sau 2 năm điều trị, MRI não mới phát hiện một khối u 5x4mm.
Đến nay, bé gái vẫn phải tiêm thuốc triptorelin liều cao hơn ban đầu và tiếp tục theo dõi khối u não.
Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh cho biết, dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường. Ở trẻ gái là dưới 8 tuổi (có kinh trước 9,5-10 tuổi) và trước 9 tuổi ở bé trai.
Điểm chung ở hai giới là trẻ sẽ phổng phao, cao nhanh, mọc lông nách, lông mu. Ở bé gái, ngực to dần, có kinh nguyệt (chảy máu âm đạo). Ở bé trai, tinh hoàn và dương vật to dần, mọc ria mép, phát triển cơ bắp, có mùi cơ thể, có hiện tượng xuất tinh.
Ngoài ra, nhiều yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm đó là đột biến gene, di truyền khi bố mẹ dậy thì sớm, béo phì (rõ nét ở bé gái) hoặc trẻ tiếp xúc với chất dẻo và thuốc trừ sâu, kim loại nặng... Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận hơn 300 trường hợp dậy thì sớm đến khám, khoảng 40% phải điều trị.
Cũng tại hội thảo trên, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ tháng 9/2017 đến năm 4/2021, ghi nhận có 694 bệnh nhân dậy thì sớm trung ương tại cơ sở y tế này. Đáng chú ý, chỉ có 21 bé trai (chiếm 3%), còn lại là trẻ gái. Trong khi đó, giai đoạn từ 1991 – 1995, chỉ có 7 bé trai và 7 bé gái được chẩn đoán.