Máu trắng đục như sữa vì ăn uống vô độ, mắc bệnh gì?

Google News

Viêm tụy cấp có thể xảy ra sau những bữa tiệc với nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn…đầu xuân năm mới. Bệnh diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

“Viêm tụy cấp là một trong những bệnh lý thường gặp nhất mỗi dịp Tết. Bệnh xảy ra sau những bữa tiệc với nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn và những món ăn thịnh soạn… Biểu hiện có thể nhẹ nhưng cũng có thể nặng hoặc rất nặng gây rối loạn chức năng nhiều cơ quan, nguy hiểm tới tính mạng”, BSNT Trần Văn Sơn, khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết.
Mau trang duc nhu sua vi an uong vo do, mac benh gi?
Viêm tụy cấp - Ảnh minh hoạ 
Sau ăn, bất ngờ nhập viện vì đau bụng
Sau buổi gặp đầu xuân cùng đồng nghiệp, bà N.V.H (50 tuổi, Hà Nội) phải nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị lan ra sau lưng, buồn nôn, sốt… Bác sĩ kết luận bà bị viêm tụy cấp sau ăn tiệc.
Trường hợp khác, ông Lê Tuyến (48 tuổi, Bắc Ninh) đau bụng quặn, căng chướng, buồn nôn, nhịp tim nhanh, phải nhập viện cấp cứu ngay trong đêm. Khai thác tiền sử, ông Tuyến có bệnh nền đái tháo đường, sử dụng rượu bia thường xuyên, từng bị viêm tụy trước đó. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm tụy cấp tái phát do tăng rối loạn mỡ máu, tăng triglyceride máu (máu đổi màu trắng như sữa).
Theo thống kê của khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, cứ 10 ca viêm tụy cấp nhập viện thì có từ 1 đến 2 ca có diễn biến nặng suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao.
ThS.BS Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tháng 12 vừa qua, số lượng người bệnh nhập viện do viêm tụy cấp tăng 30% so với các tháng trước đó, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân phổ biến mắc viêm tụy cấp khiến nhiều người phải nhập viện điều trị là do lạm dụng rượu bia, tăng triglyceride, sỏi túi mật…
BSNT Trần Văn Sơn phân tích, việc lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn trong thời gian ngắn hoặc thường xuyên có thể tác động nghiêm trọng đến tuyến tụy, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm tụy cấp và viêm tụy mạn.
Chế độ ăn uống không hợp lý, tiêu thụ nhiều đồ ăn chiên rán, thức ăn giàu mỡ và đồ ngọt khiến mức độ làm việc của tụy gia tăng. Hơn nữa, thói quen sinh hoạt thay đổi, thiếu vận động, ăn khuya, ngủ không đủ giấc… đều có thể dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh.

Viêm tụy cấp là tình trạng cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có nhiều biến chứng nguy hiểm với tiên lượng xấu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng toàn thân như trụy tim và suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Đặc biệt, chảy máu trong tụy có thể gây nguy cơ tử vong ngay trong những ngày đầu bùng phát bệnh.

Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Bệnh viêm tụy cấp thường xuất hiện đột ngột với những triệu chứng như đau bụng dữ dội, thường xuất phát từ vùng thượng vị và lan ra sau lưng; Buồn nôn và nôn; Sốt; Nhịp tim nhanh; Đổ mồ hôi; Bụng chướng...
Đặc biệt có những trường hợp viêm tụy diễn biến âm thầm, kéo dài, không hề có triệu chứng mà chỉ được chẩn đoán khi ảnh hưởng đến chức năng tụy như đái tháo đường, hoặc rối loạn tiêu hoá, phân có nhiều mỡ, nang giả tuỵ.
Nhiều biến chứng đe dọa tính mạng
Theo bác sĩ Sơn, viêm tụy cấp là tình trạng viêm đột ngột của tuyến tụy – cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn và điều hòa đường huyết. Khi tụy bị viêm, các enzym tiêu hóa sẽ hoạt động một cách bất thường, gây tác động lên chính tuyến tụy và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Mau trang duc nhu sua vi an uong vo do, mac benh gi?-Hinh-2
Lọc máu cho bệnh nhân viêm tụy cấp tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP HCM - Ảnh: BVCC 
Các biến chứng cấp tính của viêm tụy cấp như viêm tụy hoại tử, sốc giảm thể tích, hoặc suy tạng như suy thận, suy hô hấp… có thể gặp trong các trường hợp viêm tụy cấp thể nặng, làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân từ 10-30%. Các trường hợp viêm tụy cấp thể nặng sau điều trị cần theo dõi và xử trí để dự phòng tiến triển thành nang giả tụy, áp xe tụy.
Các trường hợp viêm tụy tái phát, tiến triển lâu ngày, hoặc điều trị không triệt để có thể xuất hiện các biến chứng như suy tụy mạn tính làm giảm các enzym tiêu hoá dịch tụy, dẫn đến suy kiệt, suy dinh dưỡng, hoặc suy giảm chức năng tụy nội tiết gây biến chứng đái tháo đường do tụy.
Điều trị viêm tụy cấp với các biện pháp giảm đau, bù dịch, đồng thời kiểm soát mức mỡ máu (triglyceride) và xử lý các nguyên nhân gây viêm tụy như sỏi mật hay chấn thương. Nếu có nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được điều trị viêm tụy cấp bằng kháng sinh. Người bệnh có thể ăn uống trở lại sau 1 đến 3 ngày.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ lượng nước tiểu, dung tích hồng cầu và nồng độ urê trong máu để xác định chính xác lượng dịch truyền cần thiết nhằm tránh tình trạng truyền dịch quá nhiều hoặc quá ít.
Phòng ngừa viêm tụy cấp tốt nhất bằng cách tránh yếu tố là nguyên nhân hoặc nguy cơ viêm tụy như hạn chế bia rượu, dự phòng sỏi mật (sỏi ống mật chủ mật, sỏi túi mật), bệnh đái tháo đường (người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc viêm tụy cấp cao hơn khoảng 30%), hạn chế dùng thuốc nguy cơ gây viêm tụy (thuốc chống viêm giảm đau không steroid, hoặc steroid).
Ngoài ra cần kiểm soát rối loạn mỡ máu (tăng nồng độ triglyceride ở người béo phì), điều trị bệnh lý nội tiết khác như cường tuyến cận giáp hoặc canxi trong máu cao, tầm soát ở người có tiền sử gia đình bị viêm tụy…
Đặc biệt, với những người có tiền sử viêm tụy nên hạn chế rượu bia, tránh ăn quá nhiều đạm, chất béo một bữa, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng (uống đủ nước, đủ đạm, ăn nhiều trái cây, rau quả), tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngủ đủ giấc và giữ tâm lý thoải mái, tránh thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có tiền sử bệnh lý về gan, mật hoặc các vấn đề đường tiêu hóa.
Chế độ ăn uống cân bằng và ít chất béo rất quan trọng trong quá trình phục hồi sau viêm tụy. Người bệnh nên hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm như: Thịt đỏ, đồ chiên, sữa béo, thực phẩm nhiều đường, nước ngọt, caffeine, rượu bia...
Ngoài ra, người bệnh nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, ăn thực phẩm giàu protein, chất chống oxy hóa, bổ sung vitamin và uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.

Thuý Nga