Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cô gái 18 tuổi (Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng mất kinh liên tiếp 3 tháng, tăng cân bất thường.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân có kinh nguyệt từ năm 14 tuổi, chu kỳ kinh không đều, dao động trong khoảng 30 - 60 ngày. Khám lâm sàng phát hiện tình trạng thừa cân, béo phì.
Bác sĩ chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra những tình trạng trên.
|
Ảnh minh họa. |
Trên xét nghiệm máu các chỉ số đánh giá nguyên nhân gây mất kinh, tăng cân khác như prolactin máu, hormon tuyến thượng thận bình thường, tuy nhiên có chỉ số testosterone tư do (FTI) tăng cao, thể hiện bệnh nhân có tình trạng nam hóa.
Ngoài ra, trên hình ảnh siêu âm ổ bụng, hai bên buồng trứng phát hiện có nhiều nang trứng nhỏ 2 bên. Do bệnh nhân còn trong tuổi vị thành niên, chưa quan hệ tình dục nên chưa tiến hành siêu âm đầu dò âm đạo. Tuy nhiên, dựa trên đặc điểm triệu chứng lâm sàng cùng xét nghiệm vẫn định hướng bệnh nhân rối loạn kinh nguyệt do hội chứng buồng trứng đa nang.
Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp đồng thời đưa ra những khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh.
Trẻ em gái bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ở tuổi dậy thì có thể gây rối loạn cân bằng nội tiết tố và chuyển hóa, thậm chí là khó có con, vô sinh nếu không được kiểm soát và điều trị sớm, có thể để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe trong tương lai.
Việc nhận chẩn đoán PCOS có ý nghĩa suốt đời với tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường type 2, có thể mắc bệnh tim mạch và ung thư nội mạc tử cung.
Các bác sĩ khuyến cáo, giai đoạn dậy thì, bé gái sẽ có nhiều thay đổi về mặt sinh lý và tâm lý. Vì vậy việc phát hiện sớm dấu hiệu hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi dậy thì thường khó khăn. Trong thời gian này, phụ huynh nên dành thời gian để quan sát, theo dõi hoặc tâm sự cùng con để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường và có hướng xử trí phù hợp, tránh hệ lụy sức khỏe lâu dài.
Vân Giang