Bệnh tiểu đường tàn phá cơ thể ra sao?

Google News

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, thận hoặc đột quỵ đối với người bệnh.

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường ) có 2 thể chính: tuýp 1 và tuýp 2.
Tiểu đường tuýp 1 là thể bệnh do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin, khiến lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, không thể điều hòa lượng đường trong máu, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Khác với thể tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 trước kia được gọi là bệnh tiểu đường của người lớn tuổi hay tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Ở thể bệnh này, insulin do tuyến tụy tiết ra mặc dù đạt số lượng như người bình thường nhưng lại giảm, hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
Người bệnh tiểu đường không chỉ cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ mà còn phải kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Việc chủ quan với căn bệnh này sẽ để lại nhiều hệ lụy sau:
Tàn phá tim mạch
Một trong những tác động nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường là tác động lên hệ tim mạch. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, đau thắt ngực, suy tim, tăng huyết áp và đột quỵ. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người mắc bệnh tiểu đường.
Gây tổn thương thần kinh
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương dây thần kinh, gọi là bệnh thần kinh tiểu đường. Điều này gây ra các triệu chứng như đau nhức, tê bì, ngứa ran và giảm cảm giác ở các chi (bàn tay, bàn chân). Tổn thương thần kinh ở bàn chân có thể dẫn đến cắt cụt chi. Tổn thương dây thần kinh liên quan đến hệ tiêu hóa có thể gây ra vấn đề với dạ dày và ruột.
Benh tieu duong tan pha co the ra sao?
Chế độ ăn uống lành mạnh ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa: Senior-compagnie 
Tàn phá thận
Bệnh tiểu đường có thể gây suy thận, một biến chứng nguy hiểm khác. Khi thận bị tổn thương, chức năng lọc và loại bỏ chất thải khỏi cơ thể bị suy giảm, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính và thậm chí là suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Tàn phá mắt
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương mạch máu và thần kinh trong mắt, gây ra các vấn đề về thị lực. Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường là bệnh võng mạc tiểu đường, một tình trạng có thể dẫn đến mất thị lực (mù lòa). Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người lớn tuổi.
Ảnh hưởng đến răng
Người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh về răng lợi cao hơn so với người bình thường; Nướu răng dễ chảy máu, sưng và đỏ tấy do các tác động thường ngày. Người bệnh tiểu đường cần có thói quen chăm sóc răng miệng và đi khám nha khoa thường xuyên để kiểm soát tình trạng này.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh tiểu đường là căn bệnh mạn tính nên người bệnh tiểu đường thường phải tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt, kiểm soát đường huyết hàng ngày và cần phải uống thuốc trong suốt quãng đời còn lại.
Theo Mayo Clinic, hiện chưa có cách chữa trị căn bệnh trên. Giảm cân, ăn uống lành mạnh, tập thể dục, dùng thuốc và liệu pháp insulin sẽ giúp kiểm soát bệnh.
Bình Nguyên