Là một giáo viên dạy tiểu học, chị phấn đấu lên hiệu phó ở tuổi ngoài 30. Điều chị buồn nhất là từ ngày lấy chồng chị phải xa anh. Chị vào Vũng Tàu công tác, còn anh vẫn giữ quan điểm sống ở Hà Nội.
Câu chuyện của anh chị có một hồi kết đẹp cho một cuộc tình, hai người yêu nhau từ ngày học cấp 3 cho đến khi tốt nghiệp Đại học thì họ quyết định tổ chức đám cưới.
Anh chị là người miền Bắc, nhưng sau khi tốt nghiệp, chị xin được giảng dạy cho một trường tiểu học ở Vũng Tàu. Họ yêu xa từ đó và sau khi kết hôn cho đến lúc con chị học lớp 10, anh vẫn kiên định ngoài Hà Nội, một mình chị vò võ nuôi con ở vùng biển miền Đông Nam Bộ.
|
Hình minh họa |
Hôn nhân phai màu
Là người phụ nữ làm chủ về kinh tế, chị chưa bao giờ đòi hỏi anh phải đưa tiền cho chị mỗi tháng, kể cả tiền nuôi con tuyệt nhiên chị cũng không đòi hỏi. Bởi vì chị nghĩ rằng, khi kết hôn, anh phải chủ động về việc đó, đó là trách nhiệm của một người đàn ông đã có gia đình.
Nhưng không! Từ khi lấy nhau, anh chưa đưa cho chị một đồng, chưa kể, mỗi tháng anh muốn vào thăm vợ con, chị lại phải đặt vé, phải mua quà cho anh về biếu nội ngoại. Chị còn không quên bỏ vào ví của anh chút tiền vì nó luôn rỗng không.
Ngược lại, anh chưa bao giờ hỏi chị có còn tiền tiêu không? Chưa bao giờ anh đưa cho chị một đồng và nói rằng đó là tiền đưa vợ để mua thức ăn cho con. Điều tối thiểu là một gói kẹo khi vào thăm con anh cũng không có.
Dù vậy, chị vẫn không một lần than trách anh. Cuộc sống vợ chồng của họ vẫn như những cặp tình nhân yêu xa vậy.
Con chị sang Nhật du học được 7 năm thì chị ra ngoài Bắc. Bố mẹ hai gia đình đều muốn chị về gần nhà. Đó là động lực để chị về Hà Nội. Hơn thế nữa, chị cũng muốn gần anh.
Vậy là chị chuyển về Hà Nội. Bao năm vừa làm ăn buôn bán thêm, vừa tiết kiệm, chị mua được căn hộ gần 1 tỷ đồng, tất nhiên anh không có một đồng góp cùng. Số tiền còn lại, chị dự định sẽ mua một chiếc ô tô để anh chạy lái taxi, tránh được những chuyến công tác xa nhà vất vả.
Những ngày gần anh chị mới biết, anh sống cực khổ như thế nào. Anh đi tối ngày, cả tháng chỉ đôi ba lần về, vì sự án lắp đặt thang máy hầu hết ở ngoại tỉnh. Điều lạ là thỉnh thoảng anh vẫn vay chị tiền, 10-15 triệu.
Chị bàn với anh chuyển sang lái taxi cho đỡ vất vả, thu nhập cũng ổn hơn. Bỏ tiền cho chồng học lái xe, 1 năm lái taxi anh thường xuyên về nhà xin tiền chị đổ xăng. Vì anh lái xe mà không biết đường Hà Nội. Mỗi lần có tổng đài gọi điểm khách, khi anh đến nơi xe khác đón rồi. Một năm không mang về được đồng nào, đổi lại đường Hà Nội bây giờ ngóc ngách nào anh cũng biết.
Mời độc giả xem thêm Video: Cách “trả thù” khó tin của người vợ có chồng phản bội (Nguồn: ANTV):
Anh quay lại công việc cũ, đi tối ngày và thỉnh thoảng vẫn xin tiền vợ.
Thấy chồng không có tương lai với nghề lái xe, chị lẳng lặng mang nốt số tiền dự định mua ô tô để mua thêm một căn chung cư khác ngay cùng tòa nhưng tầng dưới để cho thuê.
Màn kịch đã diễn và sự kết thúc lạ lùng
Trước sự thờ ơ vô trách nhiệm, thiếu quan tâm của chồng, chị quyết tâm thuê thám tử. Kể từ ngày chị ra Hà Nội, đường đi lối lại chị không biết, bạn bè cũng chẳng có mấy ai ngoài đồng nghiệp ở trường, chị chỉ có anh là chỗ dựa duy nhất. Nhưng những bữa cơm chị phải ăn một mình thường xuyên. Sự cô đơn trong chị đã hết ngưỡng chịu đựng.
Chị thuê thám tử theo dõi chồng vì không thể chịu đựng sự vô tâm của anh thêm nữa. Điều chị nghi ngờ cũng đến khiến chút tình thương dành cho anh vốn đã chẳng nhiều, nay được thay bằng sự khinh miệt, ghê tởm.
Đúng thời điểm chị ra Hà Nội thì anh ngoại tình với một người đàn bà đang có 1 chồng với 3 con, ở gần nhà chị. Điều thú vị hơn là ngoài chồng chị, người đàn bà lăng loàn kia còn tằng tịu với một người đàn ông khác, giám đốc của chuỗi trường mầm non ở Hà Nội.
Không nổi nóng như nhiều phụ nữ khác, chị lặng lẽ theo dõi từng dòng tin, từng cuộc gọi của đôi gian phu dâm phụ này. Nỗi đau cứ cấu xé chị mỗi đêm, cuối cùng cũng lên đến đỉnh điểm. Hơn hai năm, những lần họ đi nhà nghỉ với nhau, những tin nhắn hò hẹn cùng với lá đơn đã ký sẵn trên tay chị.
“Kịch diễn chán quá, em xem vậy đủ rồi. Giờ thì ký vào đây”, chị nói với anh. Nhìn thấy tờ đơn ly hôn chị đưa trước mặt, anh xám ngoét mặt mày, nhưng vẫn cố trấn an bản thân và chối. Anh bảo anh không ngoại tình, anh không làm sai điều gì, chỉ là chị quá đa nghi thôi.
Đặt tiếp xấp giấy đã in sẵn những tin nhắn, cuộc gọi trước mặt, anh đang đứng bỗng quỳ sụp xuống chân chị cầu xin chị tha thứ. Chị bảo: “Bao nhiêu lần tôi cho anh một tháng thay đổi rồi. Bây giờ không cần nữa. Anh hãy về với cô ấy, để không phải lén lút làm khổ nhau. Em giải thoát cho anh tự do yêu đương, anh còn muốn gì?!”.
Chị nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, đó là chồng của người đàn bà ngoại tình với chồng chị. Anh ta cũng biết tất cả sau hai tháng theo dõi vợ. Trong quán cà phê, anh ta quỳ lạy cầu xin chị đừng đánh ghen vợ anh. “Xin chị hãy để những đứa con em được lớn lên trong sự bình yên. Nếu không dư luận sẽ giết chết chúng khi người ta biết sự thật này”. Người đàn ông kia không thể tha thứ cho vợ, anh ta đã đuổi vợ mình về nhà mẹ đẻ của cô ta và chuẩn bị li dị.
Khi mua nhà, chồng chị dọn về thế nào thì nay như vậy, tài sản của anh ta chỉ vẻn vẹn một balo quần áo, vài đôi giày, nay ra đi mang theo một cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Theo Hồng Minh/Dân Việt